Nghệ nhân đều là những người yêu nghề, quyết tâm giữ nghề dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn. Vậy theo ông, danh hiệu nghệ nhân trước đây so với việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú (NNND, NNƯT) bây giờ khác nhau thế nào?
- Ngày xưa không có việc phong danh hiệu, hai từ “nghệ nhân” rất cao quý là tự cuộc đời phong cho các cụ. Cứ ai tài năng, nổi tiếng trong vùng, có nhiều học trò thì cộng đồng gọi đó là nghệ nhân. Còn ngày nay, việc xét tặng danh hiệu được gói gọn theo quy định, trong một tổ chức, hội đồng xét duyệt theo các thủ tục.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (phải) và danh cầm Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu - tác giả của hơn 2.000 bài vọng cổ và trên 70 vở cải lương . Ảnh: T.L
Việc xét tặng các danh hiệu nghệ nhân là điều rất nhạy cảm. Đây là việc làm tốt khuyến khích nghệ nhân và điều này đòi hỏi hội đồng xét duyệt phải công tâm, cực kỳ hiểu biết. Hội đồng trong quá trình xét tặng nếu không chuẩn mực, hoàn hảo sẽ xảy ra nhiều hệ lụy dẫn đến việc phong nhầm danh hiệu. Theo tôi, điều đó đánh đố hội đồng vì bản thân người làm nghề nghiên cứu mới có đủ khả năng để thẩm định xem người đó có đủ khả năng được phong làm nghệ nhân hay không? Trong khi những người nghiên cứu như chúng tôi không bao giờ được hỏi ý kiến. Không cẩn thận, ta sẽ làm mất đi sự cao quý của danh hiệu nghệ nhân.
Ngày nay những nghệ nhân hàng đầu gần như không còn. Vậy phong tặng danh hiệu cho ai? Đến hẹn lại lên sẽ được phong cho tầng lớp kế tục, như thế có khi người tài năng bình thường cũng được phong là nghệ nhân.
Vậy theo ông, với cách làm này, trong tương lai danh hiệu nghệ nhân cao quý sẽ trở thành đại trà hay sao?
-Trở thành đại trà là điều chắc chắn. Tôi cho rằng thế hệ các nhà nghiên cứu như chúng tôi sẽ là lớp cuối cùng được điền dã, được chứng kiến những nghệ nhân thực sự, nghệ nhân chân chính. Lớp trẻ kế cận ở thời điểm hiện tại không đủ trình độ nhưng rồi sẽ trở thành nghệ nhân. Trong khi tất cả những tiêu chí, thủ tục giấy tờ ở cấp xã, cấp huyện đều có thể sửa được. Tình trạng “chạy” danh hiệu nghệ nhân chồng chéo lẫn lộn từ ngành nọ sang ngành kia xuất hiện. Có trường hợp người vừa là nghệ nhân dân gian, nghệ nhân thế giới và sắp tới còn “chạy” danh hiệu NNƯT sẽ gây ra sự nhiễu loạn xã hội trong khi tài năng của họ chưa tới. Điều nguy hiểm là khi đã có chức danh rồi thì cái sai, cái dở về nghệ thuật của họ trong tương lai sẽ trở thành chuẩn mực mới làm biến dạng nghệ thuật đích thực của cổ truyền.
Có ý kiến cho rằng nhiều người đạt danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân” nhưng khi nhắc đến tên khán giả không biết đến họ là ai, trong khi đó các cụ nghệ nhân là những báu vật sống thì chờ mãi cũng chỉ được danh hiệu “NNƯT”, Bộ VHTTDL thì vẫn nhất quyết không chấp nhận phong đặc cách danh hiệu “NNND cho họ, ông nghĩ sao về điều này?
- Với bộ máy hành chính hiện nay, không thể làm tắt dùng uy tín chuyên môn ra để bảo lãnh đặc cách cho một nghệ nhân, tất cả phải thông qua cơ chế. Đặc cách còn mang nặng nhận thức cảm tính. Trong khi cái danh với làng với nước nó oai lắm, “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, người ta bất chấp để đạt được đó là điều báo động. Thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu, bởi không biết đâu là chân giá trị đích thực trong khi thực tế đầy rẫy “NNND”, “NDƯT”. Xã hội tưởng rằng ngành đó giỏi, phát triển nhưng thật ra lõi trong nghề đã bị rút ruột, chất lượng không còn.
Mới đây, Bộ LĐTBXH đã lấy ý kiến góp dự thảo nghị định hỗ trợ đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn với mức trợ hằng tháng cho nghệ nhân dao động từ 700.000 - 1.100.000 đồng/người (tùy đối tượng). Theo ông, sự hỗ trợ này có đem lại hiệu quả đối với đời sống của họ?
" Để bảo tồn cần tập trung vào con người, vì giá trị cổ truyền nằm trong sự sống con người các nghệ nhân, mà khi các cụ ấy chết đi thì mãi không còn...”. |
- Nghệ nhân từ xưa đến nay không sống bằng tiền nhà nước nuôi. Và chúng ta khó hy vọng nhà nước bỏ tiền ra để nuôi các cụ. Số tiền hỗ trợ này chỉ là sự động viên phần nào. Danh hiệu ở mức độ nào đó sẽ tốt cho rất nhiều người hoặc các cụ nghệ nhân thực sự sẽ được an ủi.
Thực tế có thể thấy các nghệ nhân đều đã ở tuổi “gần đất xa trời” mà chưa có chế độ đãi ngộ, hoặc có thì khoản tiền trợ cấp còn eo hẹp từ phía địa phương. Liệu có “lối đi tắt nào” giúp họ sớm nhận những chính sách hỗ trợ không hay vẫn phải chờ cơ chế?
-Cá nhân tôi thực sự mệt mỏi, bất lực khi nói đến chuyện phong danh hiệu, chế độ đối với những người có tài. Các nghệ nhân được hỗ trợ phải chứng minh hoàn cảnh của mình khó khăn theo một bộ tiêu chí, thủ tục khác nữa. Tuy nhiên, nhìn nhận lại cũng phải thông cảm cho những người quản lý về mặt thủ tục hành chính.
Cách làm khôn ngoan, đỡ tốn kém hơn, theo tôi nghĩ không cần phải phong danh hiệu. Nếu đã có hội đồng các cấp, chỉ cần thêm hội đồng xét duyệt của những nhà chuyên môn đánh giá về một cụ nào đó thực sự là báu vật nhân văn sống thì nhà nước nên nuôi cụ ấy... Các cụ ấy sẽ truyền dạy lại và các cụ cần được bảo vệ, hỗ trợ, đó là chính sách bảo tồn tập trung giống các nước đã và đang làm.
Xin cảm ơn ông!