Dân Việt

Thu hẹp phạm vi xử hình sự với trẻ em

Phương Loan 01/09/2015 07:08 GMT+7
Các chuyên gia đều ủng hộ quy định mới trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là liệt kê rõ các tội phạm mà trẻ từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự...

Điều 12 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng”. Điều 12 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) kế thừa quy định này nhưng liệt kê rõ các tội phạm mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.

Có nên thay đổi?

Cụ thể, theo dự thảo, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em, tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sản.

Ngoài ra, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi còn phải chịu trách nhiệm hình sự với tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong 22 điều luật khác. Chẳng hạn Điều 133 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), Điều 142 (tội cưỡng dâm)…

Theo ban soạn thảo, hiện đang có hai luồng ý kiến về vấn đề này:

Luồng ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành vì nếu sửa đổi như dự thảo sẽ dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Luồng ý kiến thứ hai đồng tình với việc sửa đổi bởi theo quy định hiện hành thì diện các tội phạm mà trẻ từ đủ 14 tuổi trở lên đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự rất rộng và có phần quá nghiêm khắc. Thực tế cho thấy trường hợp trẻ từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi tự mình thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng không nhiều, chủ yếu tập trung vào một số tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, xâm phạm sở hữu. Phần lớn các trường hợp khác trẻ bị người lớn xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa..., bản thân các em không nhận thức được đầy đủ tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm mà mình đã thực hiện (ví dụ các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về kinh tế, môi trường...). Vì vậy, Bộ luật Hình sự cần khoanh lại một số tội mà trẻ ở độ tuổi này hay thực hiện.

img

Một phiên xử lưu động có bị cáo là vị thành niên. Ảnh: H.T.D

Quy định mới là cần thiết

Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, các chuyên gia đều ủng hộ việc sửa đổi quy định hiện hành như dự thảo.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) phân tích: Quy định cụ thể các tội danh áp dụng với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi rất tốt cho việc tuyên truyền pháp luật về hình sự đối với trẻ. Các cơ quan tố tụng cũng dễ dàng áp dụng hơn. Có thể sẽ có việc bỏ lọt tội phạm. Nhưng cho dù có bỏ lọt thì cũng phù hợp nguyên tắc có lợi của Bộ luật Hình sự, tức là khi pháp luật không quy định tội danh thì người vi phạm không bị xử lý. Điều này phù hợp với xu hướng pháp luật hình sự của thế giới.

“Việc cụ thể hóa các tội phạm, điều luật mà trẻ phải chịu trách nhiệm hình sự phải được đặt cạnh nguyên tắc xử lý đối với các em. Trình tự, thủ tục tố tụng cũng cần được sửa đổi để bảo vệ quyền của trẻ, đảm bảo cho người tiến hành tố tụng có hành lang pháp lý áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự hay thay thế hình phạt tù. Tránh trường hợp khi áp dụng các biện pháp thay thế sẽ bị đánh giá là tiêu cực, có vấn đề” - luật sư Chiến nói.

Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nhận xét: Nguyên tắc pháp luật hình sự là phải chặt chẽ, rõ ràng, vì vậy không nên quy định một câu chung chung, bao trùm và quá rộng như Điều 12 Bộ luật Hình sự hiện hành. “Tôi tán thành dự thảo chỉ ra cụ thể là điều khoản nào mà người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới, nước đầu tiên của Đông Nam Á tham gia phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em. Quy định như dự thảo chính là đã bảo vệ quyền trẻ em đầy đủ nhất” - luật sư Hòa nhấn mạnh.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: “Đã có rất nhiều ý kiến về việc thành lập tòa án người chưa thành niên nhằm mục đích giáo dục, cải tạo các em là chủ yếu. Do đó, không nên lấy vài trường hợp phạm tội trong xã hội để quy chụp cho phần đông trẻ còn lại, dẫn đến việc xử lý cứng nhắc. Hơn nữa, việc cụ thể hóa các tội phạm giúp công tác xử lý người phạm tội ở lứa tuổi này cũng được cụ thể, rõ ràng hơn”.

Giảng viên Trần Văn Sỹ (Học viện Tư pháp) cũng ủng hộ: “Cái đáng sợ nhất hiện nay là mạnh ai nấy hiểu quy phạm pháp luật theo cách riêng của mình. Điều 12 dự thảo quy định như vậy là rất rõ ràng. Quy phạm pháp luật càng cụ thể thì càng dễ thực hiện, càng đảm bảo được tính nghiêm minh, chính xác, đồng thời hạn chế được việc áp dụng tùy tiện, cảm tính”.

22 điều luật cụ thể

22 điều luật mà người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự với tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng:

- Điều 133 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác).

- Điều 142 (tội cưỡng dâm).

- Điều 168 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản).

- Điều 169 (tội cưỡng đoạt tài sản).

- Điều 172 (tội trộm cắp tài sản).

- Điều 177 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản).

- Điều 249 (tội sản xuất trái phép chất ma túy).

- Điều 250 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy).

- Điều 251 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy).

- Điều 252 (tội mua bán trái phép chất ma túy).

- Điều 253 (tội chiếm đoạt chất ma túy).

- Điều 275 (tội đua xe trái phép).

- Điều 294 (tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm dùng để tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử).

Rất nhân đạo

Điều 12 Bộ luật Hình sự hiện hành không có lợi cho người phạm tội là trẻ từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi. Thực tế xét xử cho thấy trẻ phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong số các vụ án đã được xét xử, còn lại đa phần là trộm cắp lặt vặt, đánh nhau. Quy định mới hạn chế hơn phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự với các em, giúp các em có cơ hội được giáo dục trong cộng đồng thay vì bị xử lý hình sự, cho các em có cơ hội làm lại cuộc đời, sửa chữa khuyết điểm.

Luật sư Lê Thị Minh Nhân, Đoàn Luật sư TP.HCM