Nhiếp ảnh là chất xúc tác của sự thật, thu lấy những khoảnh khắc hàng ngày quá đỗi bình thường và quen thuộc để trở nên sinh động, thú vị hơn. Một cuộc triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, Mỹ với tiêu đề “Grand Illusions: Staged Photography from the Met Collection” đã được mở ra, trưng bày 40 bức ảnh chụp từ 170 năm đầu tiên của lịch sử nhiếp ảnh, cho thấy nhiều sắc thái của tính chân thực thông qua ống kính của máy ảnh.
Tác phẩm theo trường phái siêu thực của họa sĩ Rene Magritte, nổi tiếng với nhiều bức tranh dí dỏm và hài hước.
Không thể phủ nhận mối quan hệ trực tiếp giữa máy ảnh với cuộc sống trên thế giới, các hình ảnh gắn với chủ thể tự nhiên như một dấu chân, nhưng các hình ảnh hiện ra luôn là sự pha lẫn giữa ảo ảnh và thực tế để con người có cái nhìn thi vị hơn.
Các tác phẩm trong buổi triển lãm “Grand Illusions” tiết lộ ra rằng từ những nhiếp ảnh gia thời kỳ đầu tiên đều đã nhận thức rõ khả năng huyền bí của máy ảnh tạo ra các khung ảnh ảo như thật và ngược lại.
Trong triển lãm, khán giả có thể chiêm ngưỡng đa dạng các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ từ thế kỷ 19 như tác phẩm của nhiếp ảnh gia Julia Margaret Cameron, bà là nữ nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất thế kỷ 19 tại nước Anh với phong cách chụp mờ ảo. Hiếm có nhiếp ảnh gia nữ nào trong thế kỷ 19, tuy nhiên, Margaret Cameron là một trong số nữ nhiếp ảnh gia được nhiều người biết tới và là người nổi bật nhất. Bà đi theo con đường nghệ thuật của riêng mình, khác hoàn toàn so với những gì mà các nhiếp ảnh gia khác đã làm ở thời điểm đó.
Hay các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Ralph Eugene Meatyard, người thường thiên về việc chụp ảnh con người đeo những chiếc mặt nạ, mà phần nhiều là chụp ảnh cho con cái, gia đình mình trong khung cảnh của những ngôi nhà bị bỏ hoang. Những bức ảnh làm người ta liên tưởng đến sự đối lập giữa tuổi già và tuổi trẻ, sinh ra và mất đi, giữa những điều tưởng chừng rất cụ thể nhưng lại vô định, giữa bề mặt và những điều ẩn sâu bên trong. Dự án cuối cùng trước khi ông qua đời sớm là bộ ảnh “Album gia đình của Lucybelle Crater”, gồm những bức ảnh chụp bạn bè, các thành viên gia đình của ông và tất cả đều đeo mặt nạ.
Từ những năm 1930, nhiếp ảnh gia người Mỹ Morton Bartlett bắt đầu điêu khắc và chụp ảnh những con búp bê cực kỳ chi tiết giống như trẻ em sáu tuổi. Khi qua ống kính máy ảnh, những con búp bê giả trở nên có sức sống kỳ lạ.
Nhiếp ảnh gia Arnold Newman chia sẻ: “Nhiếp ảnh, như chúng ta đều biết, là điều không hoàn toàn thực tế. Đó là một ảo ảnh của thực tại mà chúng ta tạo ra trong thế giới riêng tư của chúng ta. Bất kỳ người dùng phương tiện truyền thông xã hội nào cũng đều hiểu quá rõ, mỗi bức ảnh là một sự kết hợp hoàn hảo của sự thật và một câu chuyện kể”.
Buổi triển lãm "Grand Illusions: Staged Photography from the Met Collection" sẽ kéo dài đến hết ngày 18.1.2016 tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan.
Một số tác phẩm ảnh tiêu biểu trưng bày trong buổi triển lãm:
Một tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Mỹ Clarence Hudson White.
Tác phẩm ảnh ấn tượng của nhà nhiếp ảnh người Anh Lewis Carroll.
Nhiếp ảnh gia người Anh William Fox Talbot chụp tác phẩm “Những người bán trái cây”.
Tác phẩm trưng bày của nhiếp ảnh gia Ralph Bartholomew Jr., nổi tiếng những năm 1930-1940.
Tác phẩm “La Frayeur” (sự hoảng sợ) của nhiếp ảnh gia Pierre-Louis Pierson người Pháp.