1. Nhà 5D phố Hàm Long
Đây là nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên vào tháng 3.1929. Hiện số nhà 5D được giữ làm nhà lưu niệm, các đồ đạc bày biện trong nhà vẫn được lưu giữ gần như xưa. Diện tích và mặt bằng vẫn được giữ nguyên. Nay địa chỉ này trở thành di tích lịch sử cách mạng thuộc Bảo tàng Hà Nội.
Nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam tháng 3.1929 và nay.
2. Nhà 48 phố Hàng Ngang
Ở góc phía trong nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ngồi suy nghĩ và đánh máy bên chiếc bàn con kê sát tường. Ngay tại chính chiếc bàn này, bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam đã được phác thảo.
Căn nhà này là di tích lịch sử cho khách tham quan ở trong và ngoài Việt Nam tìm hiểu về lịch sử ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam. Hiện nay địa chỉ này trở thành di tích lịch sử cách mạng thuộc Bảo tàng Hà Nội.
Ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 và nay.
3. Nhà 90 phố Thợ Nhuộm
Chính tại căn nhà này, Trần Phú đã dự thảo bản Luận cương Chính trị của Đảng. Với văn kiện này, công nhân và nhân dân Việt Nam đã có một Cương lĩnh cách mạng phản ánh đúng quy luật khách quan của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, đáp ứng được những đòi hỏi cấp bách của lịch sử.
Hiện nay căn nhà này đang được nâng cấp và bảo tồn.
Nhà số 90 phố Thợ Nhuộm, Hà Nội - nơi đồng chí Trần Phú chấp bút bản dự thảo Luận cương Chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930 và nay.
4. Nhà tù Hỏa Lò
Thực dân Pháp xây dựng nhà tù này đầu thế kỷ XX, tên tiếng Pháp thời đó là Maison Centrale, có nghĩa là Đề lao Trung ương hay Ngục thất Hà Nội. Nhà tù này giam giữ nhiều hạng người, trong đó có những tù nhân chính trị, những người ái quốc chống lại chính quyền thực dân Pháp từ 1896 đến 1954.
Hỏa Lò đang là một di tích lịch sử, đồng thời là một điểm du lịch thú vị cho du khách trong và ngoài nước.
Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) do chính quyền thực dân Pháp xây dựng đầu thế kỷ XX và nay.
5. Nhà hát Lớn
Ngày 16.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Tuần lễ vàng quyên góp ủng hộ Chính phủ tại Nhà hát Lớn. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I họp phiên đầu tiên ở Nhà hát Lớn vào ngày 2.3.1946 và tiếp tục ở đây cho đến năm 1963, khi Hội trường Ba Đình được xây dựng.
Cán bộ Việt Minh giương cao cờ đỏ sao vàng tại cuộc mít-tinh ở Nhà hát Lớn Hà Nội, kêu gọi nhân dân Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền ngày 17.8.1945 và nay.
6. Cầu Long Biên
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội, do Pháp xây dựng (1898-1902). Chiếc cầu đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, song vẫn đứng vững nhờ có sự bảo vệ của lực lượng công binh và phòng không Việt Nam.
Trong năm 2015, cầu Long Biên tiếp tục được tu sửa, bảo dưỡng.
Cầu Long Biên (Hà Nội) do chính quyền thực dân Pháp xây dựng, khánh thành năm 1902 và nay.
7. Phố Hàng Chiếu
Đây là một trận địa chiến đấu của quân ta trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Cho đến ngày 17.2.1947, trận địa Ô Quan Chưởng vẫn đứng vững cho đến khi Trung đoàn Thủ Đô rút ra khỏi thành phố.
Hiện nay cũng sầm uất như các phố cổ khác, phố Hàng Chiếu bán sản phẩm chủ yếu là túi giấy, túi vải, túi nylon...
Quang cảnh phố Hàng Chiếu, Hà Nội cuối thế kỷ XIX và nay.