Dân Việt

Họa sĩ Chu Lượng và ngẫu hứng mang rối vào tranh

Phạm Thu Hương 03/09/2015 17:16 GMT+7
Nghệ sỹ múa rối vẽ tranh, đó là điểm lạ nhất khi nhắc về Chu Lượng, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long. Kể từ triển lãm sắp đặt mang tên “Nhân gian” gây tiếng vang, 7 năm sau, anh mới trình làng vài chục bức chân dung bạn bè vào tháng 12-2015. Vẫn là những gương mặt nghệ sỹ nổi tiếng như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, họa sỹ Lê Thiết Cương, nhà văn Bảo Ninh, NSƯT Trung Hiếu… nhưng gương mặt nào cũng trong veo, hồn nhiên và thuần khiết, mang đậm tinh thần rối.

Đi tìm những điều xưa cũ

Mũ lưỡi trai lúc nào cũng che kín quá nửa khuôn mặt, tóc dài buộc túm, cái dáng vẻ bụi phủi của anh làm người khác nghĩ ngay đến hình ảnh  các tay đua xe của Mỹ. Mà quả thật, anh có thú chơi xe và chơi rối. Nói về nghề anh đã theo đuổi mấy chục năm, cả ngày cũng không hết chuyện. Chỉ biết, từ ngày anh đam mê những tích trò dân gian, cuộc đời anh bỗng “rối tung rối mù” và không biết đường nào để dứt ra. Còn vẽ tranh, dù được học tại Trường nghệ thuật Tây Bắc nhưng rất ít khi Chu Lượng thể hiện.

img

Ngoài triển lãm sắp đặt “Nhân gian” cách đây 7 năm, tuyệt nhiên không thấy anh có động thái nào trong các hoạt động mỹ thuật. Nhưng thực ra, Chu Lượng vẫn sáng tác, anh vẽ chân dung bạn bè, thích thì vẽ chơi, vẽ xong rồi tặng bạn và cũng không có dự định triển lãm rình rang. Không ngờ, tranh đẹp, hợp ý người tặng cộng với những lời động viên khích lệ từ người bạn Lê Thiết Cương, anh mới dự định tổ chức trưng bày tranh vào tháng 12-2015. 

Đến nay, Chu Lượng đã vẽ được vài chục bức và cũng không định ra một số lượng cụ thể. Anh muốn mọi việc tuân theo tự nhiên. Cũng giống như rối, anh vẽ với mong muốn tìm về những gì xưa cũ nhưng lại là bản ngã trong mỗi con người. Đó là đi tìm vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết và hồn nhiên bị mất dần đi trên gương mặt của mỗi người, trong tâm hồn mỗi người, vốn đang ngày càng trở nên chai lì trước sức ép của miếng cơm manh áo. Đã từng có thời, Chu Lượng định phá cách trên mặt con rối nhưng sau đó, anh đã nhận ra mình sai lầm và nhanh chóng trả lại vẻ đẹp nguyên sơ, căn bản của chúng. Và lần này, anh cũng sẽ trả lại sự thanh thản, nhẹ nhõm trong từng gương mặt phác họa. 

Ảnh hưởng của “nghề” chơi rối 

Nghệ sỹ Chu Lượng cho biết: “Đời sống kinh tế thị trường đã lấy đi của con người nhiều thứ. Sự hồn nhiên và trong sáng rất khó để tìm thấy. Tôi vẽ tranh là để tìm về chính mình, những khoảng lặng trong cuộc sống nhiều bon chen và mệt mỏi”. Vẫn đương chức Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long nên việc Chu Lượng ra mắt triển lãm tranh lần này được xem như một cách giải trí của người nghệ sỹ đa tài, nơi anh có thể trút bỏ mọi lo toan, bận rộn của cuộc sống để tìm kiếm sự cân bằng.

img

Chân dung nhà văn Bảo Ninh 

Ở đó, anh được sống trong tình bằng hữu và tìm kiếm những góc ẩn sâu trong tâm hồn của bạn bè mình. Chu Lượng vẽ nhà văn Nguyễn Văn Thọ với chiếc cổ gân guốc như rễ cây cổ thụ cắm xuống đất, ăn sâu vào lòng đất mẹ. Quả thật, nhà văn có sống ở Đức bao lâu thì cuối cùng, ông vẫn trở về Việt Nam, về với quê hương chôn nhau cắt rốn.  Anh còn vẽ họa sỹ Lê Thiết Cương với phông nền đằng sau là chằng chịt những con đường để người xem ngầm hiểu rằng, để tìm ra lối vẽ tối giản như hiện nay, “gã ngông” này đã đi qua biết bao thử nghiệm, tìm tòi rồi nhận ra một phong cách nghệ thuật của riêng mình.

 Sử dụng chất liệu bột màu để vẽ tranh, sau đó có một lớp keo tạo độ kết dính và bền vững, các tác phẩm chân dung bạn bè của Chu Lượng phần lớn được tạo hình khỏe khoắn, trong trẻo, hồn nhiên dù những con người được phác họa đều đã lớn tuổi. Chu Lượng cho biết: “Nghệ sỹ múa rối vẽ tranh sẽ bị ảnh hưởng bởi nghề nghiệp ở chỗ, tôi mang theo tinh thần hồn nhiên, trong trẻo và thuần khiết của những con rối vào trong tranh”. Có lẽ, chính vì vậy nên các dự án nghệ thuật của anh - người từng lập kỷ lục Guiness Việt Nam về sáng tạo rối thường gây bất ngờ với người xem bởi sự ngẫu hứng.