Dân Việt

U19 Việt Nam 2015 hiệu quả hơn phiên bản 2014?

Thiên Vũ 04/09/2015 07:30 GMT+7
Nếu như 2 năm trước, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... phải vất vả mới có thể giành thắng lợi sát nút trước Lào để vào chung kết, thì bây giờ thế hệ đàn em đã có chiến thắng tưng bừng ngay trên đất khách...

U19 Việt Nam hơn hẳn lứa Công Phượng về hiệu quả

2 năm trước ở Indonesia, các cầu thủ của HLV Graechen lúc ấy gồm những cầu thủ 17-18 tuổi đã có trận bán kết giải U19 Đông Nam Á đầy vất vả trước U19 Lào. Đó là trận đấu mà Công Phượng và các đồng đội bế tắc trong việc tìm đường vào khung thành đối phương, thậm chí chỉ tung ra 3 cú dứt điểm trước khi Công Phượng ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu ở phút thứ 75.

Cũng giống như giải U19 Đông Nam Á năm nay, lúc ấy U19 Lào nằm ở bảng đấu rất nhẹ với toàn đội bóng yếu như Campuchia, Đông Timor, Philippines và Singapore. Thậm chí, Lào còn thất bại trong cả 2 lần đối đầu với Đông Timor. Thế nên, không thể nói U19 Lào lúc ấy là đội bóng mạnh.

img

U19 Việt Nam 2015 hiệu quả hơn lứa U19 của năm 2014.

Lứa Công Phượng 2013 lọt vào trận chung kết giải U19 Đông Nam Á với việc ghi được 16 bàn thắng sau 6 trận đấu (trung bình 2,6 bàn/trận) nhưng cũng để lọt lưới tới 5 bàn. Đáng chú ý, các chiến thắng của thầy trò HLV Graechen đều chỉ có cách biệt 1 bàn, trận thắng đậm duy nhất là trước U19 Brunei với tỷ số 6-1.

Trong khi đó, U19 Việt Nam bây giờ tiến thẳng vào chung kết với thành tích còn ấn tượng hơn. Họ đánh bại Lào ngay trên sân đối phương với sự cổ vũ đông đảo của khán giả Lào với tỷ số 4-0, họ cũng là đội duy nhất chưa để thủng lưới bàn nào, hàng công càng đá càng hay với 14 bàn thắng sau 5 trận đấu (trung bình 2,8 bàn/ trận). Nếu chỉ tính trên con số thống kê, có thể thấy U19 Việt Nam đạt được hiệu suất ghi bàn cao hơn và khả năng phòng ngự tốt hơn rất nhiều.

Tất nhiên, không thể đánh giá được lứa U19 của các đội Đông Nam Á 2 năm trước liệu có mạnh hơn bây giờ hay không, nhưng chí ít xét tương quan mặt bằng chung và các đối thủ mà 2 lứa cầu thủ đã gặp nhau là khá tương đồng, đó chính là những cột mốc có thể được đưa ra để so sánh.

Trưởng thành hơn về tư duy chiến thuật

Triết lý bóng đá của HLV Graechen khác hoàn toàn với HLV Hoàng Anh Tuấn. Lứa Công Phượng được đào tạo bài bản, có cơ hội cọ xát quốc tế nhiều, lại ăn tập cùng nhau trong 7 năm, nên họ dễ dàng tìm được sự ăn ý. Trong khi đó, các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn lại chỉ tập cùng nhau 1 tháng và chẳng có chuyến tập huấn quốc tế nào.

Rõ ràng, nhìn những đường chuyền ban bật của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... tạo cho người xem cảm giác thích thú. Các cầu thủ từ học viện HAGL JMG "chơi bóng" theo đúng nghĩa khi họ vào sân và tư duy thi đấu mỗi khi có bóng là không để mất bóng vào chân đối thủ. Trong khi đó, các cầu thủ U19 Việt Nam bây giờ thi đấu theo tư duy bóng đá hiện đại, tức là ngay khi có bóng phải tìm cách tiếp cận nhanh nhất đến khung thành đối phương với mục tiêu ghi bàn.

Cái thiếu của lứa học viện HAGL JMG chính là tư duy chiến thuật để tiếp cận bóng đá chuyên nghiệp, điều đã thể hiện sự non kém của họ khi ra đấu trường V.League. Tuy nhiên, cái thiếu này lại được những Trọng Đại, Trọng Hóa, Lâm Thuận... thể hiện rất rõ ở giải đấu năm nay. Dù cũng chỉ mới 17-18 tuổi, nhưng các cầu thủ U19 Việt Nam đã có thể lực khá tốt. Lối chơi rõ ràng và đa dạng.

Các cầu thủ U19 Việt Nam cho thấy sự chắc chắn và trưởng thành qua từng trận đấu, những đường tấn công mạch lạc và có điểm đến rõ ràng, trong khi khả năng phòng ngự được đề cao. Ở U19 Việt Nam bây giờ thấp thoáng một đội bóng chuyên nghiệp hơn là một đội bóng chỉ để đá đẹp và biểu diễn.

Nếu n.hư U19 Việt Nam đánh bại được U19 Thái Lan ở trận chung kết vào chiều tối nay, thì rõ ràng họ đã làm được điều mà thế hệ đàn anh không làm được. Điều đáng nói hơn, nhìn cách các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn thi đấu, người ta thấy được tiềm năng có thể thi đấu chuyên nghiệp của những cầu thủ này, dù biết với lứa cầu thủ trẻ còn quá sớm để đưa ra một lời khẳng định