Đầu tiên là máy phụt. Lúa được tuốt chảy vào bao, còn rơm phụt như mưa ra... quốc lộ. Kế đó là phơi thóc trên xa lộ. Xe cộ đều phải giảm tốc, không ai nỡ phóng đè lên “dải ngăn cách” vàng óng. Thứ ba là rơm. Rơm phơi vô tư trên đường. Xe cán cũng thoải mái, coi như đập lại, lấy lúa tận dụng chăn nuôi gà vịt. “Rồi mùa tóc rã, rơm khô/Bà con châm lửa đốt tro bón đồng/Khói mù mịt khắp tây đông/Tràn vào đô thị nhìn không được nào/Khói bay lên tận Thiên Tào/Ngọc Hoàng ra điện... đeo vào khẩu trang”.
Ngay đến đại lộ Thăng Long tuần qua cũng khói rơm mù mịt đường chui dân sinh. Thói quen thu hoạch và tiến hành “công nghệ sau thu hoạch” trên đường cái quan là một trong những “nét mới” của nông thôn ta. Chiếc máy phụt lúa được xem như một công cụ cải tiến, biểu hiện của cơ giới hóa nông nghiệp, sau cái máy cày và máy “lồng” đất tự chế từ máy nổ “công nông” Trung Quốc.
Ở Nam Bộ, ruộng nhiều, cánh đồng lớn, có máy phụt và có cả máy gặt đập liên hoàn. Mấy năm trước đã có phản ứng của các “tập đoàn thợ gặt thủ công”, cắm cọc sắt trên ruộng lúa để phá máy gặt, giành lại quyền gặt bằng tay liềm tay lúa như... thuở nảo thuở nào.
Năm nay một số nông dân hùn vốn mua máy gặt đập liên hoàn vùng quanh Hà Nội. Máy chạy trên đồng (tất nhiên là những chỗ đã dồn điền đổi thửa cỡ 1ha trở lên đủ rộng cho máy hoạt động), năng suất gấp mấy chục lần gặt tay. Quan trọng hơn là lúa được vào bao ngay trên máy, rơm rạ nằm hàng lối, tránh được cảnh phụt lúa, phơi rơm trên đường tráng nhựa. Đã lâu lắm, từ ngày “khoán 10” đồng ruộng miền Bắc mới có bóng dáng máy gặt. Ấy thế mà các chủ máy đang lo “xôi hỏng bỏng không” vì đang nhận được đe dọa phá máy của cánh thợ gặt, cho rằng mình bị “cướp cơm chim”.
Nói đến đây xin được đôi lời tâm huyết, xin quý vị cho Lý tôi than thở một câu: Nếu cứ đà này đến bao giờ mới công nghiệp hóa nông thôn theo hướng hiện đại? Thời điểm 2020 còn chín năm rưỡi. Những cánh đồng manh mún, những kiểu làm việc thủ công hoàn toàn không phải là “tiền đề” để tiến lên hiện đại. Thứ nữa, những máy móc tự chế, vốn đã đầy vấn đề kỹ thuật lại đang năm ăn năm thua với thói quen làm tay. Điều quan trọng là chưa có lối thoát cho nguồn nhân lực nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa... Đến khi nào ta mới cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp?
Những dải khói đốt đồng tháng năm nhìn xa như bức tranh ấn tượng về mùa màng, đẹp một cách... dễ sợ. Chúng ta không cần khói ô nhiễm, dù nhìn đẹp!
Lý Lão Làng