Chùa Thái Dương ở xã Hưng Công, huyện Bình Lục, Hà Nam đã có từ rất lâu đời, theo các cụ cao niên trong làng, họ không biết chính xác ngôi chùa được xây dựng vào thời điểm nào. Nhưng từ lâu, ngôi chùa này đã bị xuống cấp, nhiều chỗ bị hư hỏng. Do ngôi chùa xuống cấp, hư hỏng một số chỗ, nên người dân trong làng muốn góp tiền phá bỏ ngôi chùa cũ này và xây dựng ngôi chùa mới khang trang hơn.
Chùa Thái Dương được xác định được xây dựng vào cuối thế kỷ 17
Sau khi phát hiện sự việc trên, một nhóm họa sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư thiện nguyện có kinh nghiệm trong việc bảo tồn chùa cổ đã về xã Hưng Công để tìm hiểu. Qua các chi tiết kiến trúc và điêu khắc gỗ, các nhóm họa sỹ, kiến trúc sư xác định niên đại của ngôi chùa là vào khoảng vào cuối thế kỷ 17,vào khoảng cuối thời nhà Mạc và từng được tu bổ vào thế kỷ 18 và 19.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm (65 tuổi), ở thôn 7, xã Hưng Công, huyện Bình Lục, cho biết: “Ngôi chùa này vốn không có nhà Sư trụ trì, từ lâu người dân xóm 7 và 8 chúng tôi hàng ngày vẫn đến đây tụng kinh, niệm phật. Do chùa đã có từ rất lâu đời, cũng chẳng ai biết về giá trị của ngôi chùa cổ kính này. Do thời gian bào mòn, nên nhiều chỗ đã bị xuống cấp, mối mọt ăn khắp các cột gỗ… Sau thời gian suy đi tính lại, chúng tôi dự định sẽ gom góp tiền, rồi kêu gọi cải tạo nâng cấp chùa lên. Nhưng sau khi biết đây là chùa có từ rất lâu đời, mang nhiều giá trị văn hóa, chúng tôi quyết định không dựng chùa mới nữa, mà chỉ tôn tạo lại”.
Nhiều chỗ trong chùa bị mối, mọt xâm hại
Nhiều chi tiết, họa tiết trang trí của ngôi chùa đã có từ lâu đời vẫn còn nguyên vẹn
Theo một số phản ánh của người dân cho biết, ban đầu có 2 luồng ý kiến của người dân một là tôn tạo, nâng cấp chùa lên. Còn có một số ý kiến khác là sẽ xây dựng ngôi chùa mới. Tất cả đều với nguồn kinh phí chủ yếu là vận động dân trong xã và kêu gọi ủng hộ từ nơi khác.
Chỉ vào các cột gỗ, các kiến trúc ông Trần Văn Tấn (75 tuổi), ở thôn 6, xã Hưng Công cho biết: “hầu hết các cột gỗ, phần điêu khắc…đều bị mối, mọt tấn công. Cũng rất may mắn là chúng tôi được biết kịp thời về giá trị văn hóa to lớn của ngôi chùa, nếu không khi nâng cấp, cải tạo lại thì mất đi nhiều thứ”.
Sau khi được nghe nhóm họa sỹ, kỹ sư thiện nguyện giải thích về giá trị văn hóa to lớn của ngôi chùa, đồng thời nói về một số nơi trong chùa bị xuống cấp vẫn sữa chữa, trùng tu lại được bình thường, người dân trong xóm 6, 7, 8 xã Hưng Công họp bàn và đồng ý sẽ trùng tu lại ngôi chùa cổ, chứ không phá bỏ.
Chùa Thái Dương từng được tu bổ vào thế kỷ 18 và 19
Tuy nhiên, theo người dân nơi đây cho biết, mặc dù ban đầu có 2 luồng ý kiến là nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, nhưng đấy mới là họp bàn với nhau. Việc nâng cấp với họ quả là vấn đề nan giải vì kinh phí quá khó khăn, chứ đừng nói đến việc xây mới chùa.
Ông Nguyễn Trí Lễ (76 tuổi), ở thôn 6, xã Hưng Công cho hay: “Người dân chúng tôi cũng tự ý thức được việc bảo tồn văn hóa, lịch sử. Chúng tôi cũng bàn với nhau sẽ cố gắng đóng góp để trùng tu, nhưng người dân chúng tôi chủ yếu làm nông nghiệp cũng chạy ăn từng bữa, chúng tôi cũng đang cố gắng kêu gọi các nhà hảo tâm, tư nhân giúp đỡ”.
Người dân xã Hưng Công cũng mong muốn, các cấp chính quyền, ngành Văn hóa trong tỉnh Hà Nam quan tâm và giúp đỡ để việc trùng tu ngôi chùa cổ Thái Dương sẽ được thuận lợi hơn, bởi đây là một di sản cần được quan tâm và bảo vệ.