Dân Việt

Đề xuất dự trữ 1 triệu liều vaccin tai xanh

05/09/2012 10:26 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm qua (4.9), ông Hoàng Văn Năm - quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, Bộ đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ cho dự trữ 1 triệu liều vaccin phòng, chống dịch lợn tai xanh để dập dịch.

Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm diện rộng

Theo Cục Thú y, trong 2 tuần qua đã phát sinh các ổ dịch cúm gia cầm tại 3 tỉnh là Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Thanh Hóa. Tại Bắc Kạn, dịch cúm gia cầm xảy ra từ ngày 28.7 tại 1 hộ chăn nuôi ở xã Yên Thượng, sau đó dịch được phát hiện tại thị trấn Bằng Lũng và xã Đông Viên của huyện Chợ Đồn, với tổng số gà mắc bệnh chết và tiêu hủy là 2.339 con.

img
Nguồn vaccin phòng chống dịch tai xanh đã cạn kiệt.

Tại Quảng Ngãi, số gia cầm mắc bệnh chết và tiêu hủy là 69.850 con vịt; còn ở Thanh Hóa là 280 con của một hộ gia đình tại xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc. Ngoài ra, các tỉnh có dịch như Hà Tĩnh có tổng số gia cầm bệnh chết, tiêu hủy là 24.294 con; Ninh Bình là 2.012 con; Nam Định 12.253 con. Hiện cả nước có 7 tỉnh có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

Đối với dịch tai xanh, chỉ trong 1 tuần trở lại đây, đã phát sinh thêm 2 tỉnh, trong đó tại Bắc Kạn, dịch đã phát sinh tại 9 xã của huyện Chợ Mới làm 1.145 con lợn mắc bệnh, hiện đã tiêu hủy 193 con; tại Cần Thơ dịch đã phát sinh ở 6 xã của 7 quận, huyện với tổng số lợn mắc bệnh là 289 con, tiêu hủy 166 con. Ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Tình trạng dịch bệnh lây lan hầu như theo tuyến từ phía Bắc vào miền Trung, rất có thể là do việc vận chuyển gà lậu, lợn bệnh từ trước đó.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần đánh giá: “Hiện tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở khu vực miền Bắc trở vào miền Trung. Cách đây 2 tháng, có một loại virus mới (nhóm C) xuất hiện ở Trung Quốc, gây ra dịch cúm gia cầm với khả năng gây chết người rất cao. Đây là loại virus tuy vẫn thuộc nhánh 2.3.2.1 nhưng có sự khác biện với những virus nhóm A và B đang có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Nguy cơ tiếp tục xuất hiện dịch cúm trong giai đoạn hiện nay là rất cao”.

Bộ NNPTNT cũng cảnh báo, trong thời gian từ nay đến cuối năm có thể sẽ bùng phát đợt dịch cúm gia cầm mới trên phạm vi rộng. Bởi theo quy luật dịch tễ, thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán là giai đoạn bùng phát của dịch này.

Đề nghị cấp 33 tỷ đồng dự trữ vaccin

Một khó khăn trong công tác phòng, chống dịch hiện nay theo ông Hoàng Văn Năm là do, số vaccin dự trữ được thực hiện từ tháng 10.2011 đến nay đã sử dụng hết. Do vậy, cần phải tiến hành dự trữ vaccin với số lượng tối thiểu là 1 triệu liều (tương đương 33 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo đại diện của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư, cơ chế dự trữ vaccin nên thực hiện thành các đề án để có sự thống nhất từ T.Ư tới địa phương nhằm thuận tiện về thủ tục thanh toán. Trong khi đó, theo đại diện Văn phòng Chính phủ, việc dự trữ vaccin cần tiến tới việc để các địa phương tự chủ động về nguồn ngân sách trong việc mua vaccin.

“Các địa phương cần tập trung rà soát lại xem còn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm hay không. Nếu nhập lậu con giống mà mắc bệnh sẽ càng làm cho tình hình dịch bệnh ở các địa phương nghiêm trọng hơn”

Còn theo ông Tần, do phụ thuộc vào nguồn vaccin do các nước sản xuất, nên việc thành lập Đề án dự trữ vaccin không khả thi lắm, vì chúng ta không chủ động được việc sản xuất vaccin. Vì thế ông Tần cho rằng, chúng ta cần nhanh chóng thử nghiệm các loại vaccin mới để đưa vào sử dụng, từ đó chủ động được nguồn sản xuất trong nước. “Thực tế, vaccin tiêm phòng, nhất là phòng bệnh cho lợn như dịch tai xanh, lở mồm long móng đang rất đắt, trong điều kiện của nước ta không thể hỗ trợ tiêm phòng cho toàn bộ đàn lợn được” - ông Tần nói.

Bộ NNPTNT dừng thực hiện Thông tư 33 và 34

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần vừa ký quyết định tạm dừng thực hiện 2 Thông tư 33 liên quan đến quy định thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ. Theo đó, thịt, phụ phẩm động vật sẽ tiếp tục được giữ nguyên phương thức kinh doanh như hiện nay, không phải chịu ràng buộc bởi quy định không được bán sau 8 tiếng giết mổ.

Cũng theo quyết định này, Bộ NNPTNT ngừng thi hành hiệu lực Thông tư số 34 quy định các cơ sở kinh doanh trứng gia cầm phải có địa điểm riêng biệt với khu dân cư, có thiết bị xử lý trứng, bảo quản trứng ở nhiệt độ lạnh thích hợp, có thiết bị vệ sinh, xử lý chất thải và phải rửa trứng, khử trùng trước khi bán. Theo các quyết định cũ, thời hạn thi hành 2 thông tư là ngày 3.9.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho biết: “Bộ NNPTNT quyết định ngưng hiệu lực thi hành của 2 Thông tư này để điều chỉnh cho phù hợp. Trong thời gian tới, Bộ sẽ rà soát, điều chỉnh quy định, đưa ra bàn bạc tại các hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi của các nhà quản lý, người dân cũng như tăng cường tuyên truyền để các quy định nhận được sự đồng thuận”. Cũng theo ông Tần, về cơ bản, những quy định này là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, Bộ NNPTN sẽ thực hiện theo lộ trình, điều chỉnh quy định cho phù hợp và đảm bảo tính khả thi.

Trước đó, Báo NTNN đã có bài phản ánh về những quy định không hợp lý liên quan đến Thông tư 34 về quản lý sản xuất, kinh doanh trứng gia cầm.