Không còn “dọa” được đối thủ
Trưa 5.9, lần đầu tiên trong sự nghiệp, Nadal thua trận đấu mà anh đã dẫn trước 2 set. Đau hơn, đó lại là trận thua ngược 2-3 (6-3, 6-4, 4-6, 3-6, 4-6) trước đối thủ người Italia Fabio Fognini – tay vợt chưa từng vượt quá vòng 3 giải Mỹ mở rộng từ trước đến nay. Fognini thua 17/17 trận đối đầu với các tay vợt trong tốp 10 ở các giải Grand Slam trên mặt sân cứng. Trong khi Nadal thắng 22/23 trận gần đây nhất tại Mỹ mở rộng. Anh vô địch năm 2010 và 2013, á quân năm 2011, không dự các giải năm 2012 và 2014 do chấn thương.
HLV và cũng là chú Toni Nadal (phải) khó có thể giúp Rafael Nadal giành thêm những danh hiệu Grand Slam. Ảnh: I.T
Những năm trước, gặp những đối thủ như Fognini, Nadal chơi hoàn toàn áp đảo. Năm nay, mọi thứ với Nadal đều đi xuống: Anh thua Tomas Berdych ở tứ kết giải Australia mở rộng, thua Novak Djokovic ở tứ kết Pháp mở rộng, thua Dustin Brown ở vòng 2 Wimbledon và thua trận vòng 3 Mỹ mở rộng này nữa.
Thua nhưng Nadal vẫn lạc quan cho rằng anh chơi tốt hơn so với đầu năm nay. Anh thua là vì đối thủ đánh bại anh, chứ không phải do tự thua. Nhưng nhìn vào thực tế thì các cú đánh của Nadal yếu ớt hơn trước. Cú giao bóng 2 luôn là điểm yếu mà bất kỳ ai cũng có thể tấn công vào Nadal bây giờ. Các cú giật bóng với vòng xoáy khủng khiếp không còn sâu và nảy cao khiến các đối thủ khiếp sợ nữa. Và Nadal đang mất dần đi khả năng thắng những điểm cần phải thắng.
Huấn luyện viên (HLV) kỳ cựu Nick Bollettieri nói Nadal đang đánh mất “yếu tố dọa nạt” như kiểu của Serena Williams, chưa vào thi đấu, các đối thủ đã ngán ngẩm rồi. “Ngày trước, các HLV và cổ động viên không tin Nadal sẽ bị đánh bại. Khi vào loạt đánh dài, bạn sẽ đặt cược vào Nadal thắng điểm. Khi anh bị dẫn trước, bạn vẫn tin anh ta lội ngược dòng. Nhưng bây giờ điều đó yếu dần”.
Agassi có thể giúp Nadal?
"Nếu tôi thay ai đó trong đội hình thì không phải do tôi thắng hay thua, mà do người đó có còn động lực làm việc với tôi nữa không. Nên nhớ, Toni là người chú hơn là 1 HLV. Gia đình quan trọng hơn quần vợt”. |
Nadal cần cải thiện gì? Theo Nadal là tốc độ. Không phải tốc độ chạy mà tốc độ đánh bóng: “Tôi có cảm giác tốt hơn so với đầu năm, giờ cần nâng tốc độ đánh bóng lên nữa”. Nhưng theo các HLV Nick Bollettieri và Larry Stefanki, anh cần một HLV mới để đại tu toàn bộ lối chơi nhằm đeo đuổi các danh hiệu Grand Slam. Ý kiến của họ được cộng hưởng bởi suy nghĩ của cựu tay vợt John McEnroe.
Từ khi bắt đầu cầm vợt đến giờ, HLV duy nhất của Nadal là ông chú ruột Toni Nadal. Thỉnh thoảng đi theo Nadal đến một số giải đấu là HLV Francisco Roig, người cũng cùng quan điểm với Toni Nadal mà thôi. “Tôi nghĩ Nadal nên có một cách nhìn mới về quần vợt” - Stefanki nói, “Nhưng cũng không cần tách biệt hẳn với ông Toni. Ông ấy có thể đứng ở vòng ngoài hỗ trợ”.
Các tay vợt hàng đầu như Roger Federer, Novak Djokovic, Kei Nishikori đều cải thiện lối chơi nhờ vào các HLV mới. Stefanki còn nêu một cái tên cụ thể có thể giúp đỡ Nadal- cựu tay vợt Mỹ Andre Agassi. Trong cả sự nghiệp, Agassi 8 lần vô địch Grand Slam, 5 trong số đó anh giành được sau sinh nhật thứ 29, thành tích mà ngoài Agassi thì chỉ có huyền thoại Rod Laver làm được trong kỷ nguyên mở (từ năm 1968 trở lại đây). Năm nay, Nadal cũng 29 tuổi. Agassi có thể đưa ra cho Nadal nhiều lời khuyên khi anh bước vào giai đoạn cuối sự nghiệp.
Stefanki cho rằng Nadal nên đánh bóng thẳng hơn, chứ đừng đánh xoáy nhiều nữa, đứng sát vạch cuối sân đánh bóng hơn là đứng thụt quá sâu phía sau chạy tới chạy lui phòng thủ. “Nếu Nadal nghĩ rằng cậu ta nên tiếp tục chơi như vẫn chơi từ năm 13 tuổi, tức là chạy vòng vòng phòng thủ thì không còn hiệu quả nữa, vì thể lực cậu ta không thể như trước, và cậu ta sẽ không vô địch Grand Slam thêm nữa. Cậu ta nên chơi như Agassi, ôm vạch cuối sân, đánh bóng sớm, áp đảo đối thủ”.