Không ai chịu trách nhiệm
Khởi công và đưa vào sử dụng năm 2000 từ nguồn vốn của UNICEF với công suất thiết kế là 73m3 nước/ngày đêm. Công trình này có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 500 nhân khẩu ở các thôn Nà Khao, Làng Thọc, Đồng Cáy (xã Yên Thắng). Thiết thực là vậy nhưng một công trình có trị giá hàng trăm triệu đồng bỗng nhiên trở thành phế tích.
Nước sạch không đến được với bà con một phần vì công tác quản lý kém. |
Gia đình bà Hoàng Thị Ky ở cách không xa công trình cấp nước, lại là một trong những gia đình đầu tiên xây bể chờ đón nước sạch, thế nhưng sau khi khánh thành đưa vào sử dụng chưa được 1 năm, nước từ công trình này đã không thể về đến nhà bà, bể thì nằm chỏng chơ hứng bụi rác.
Chẳng còn cách nào khác, bà buộc phải trở lại những ngày đi xin từng gánh nước. Bà Ky bức xúc: "Mỗi ngày tôi phải đi xin người ta 3 - 4 gánh nước, cũng phiền lắm. Trong khi có công trình nước sạch ngay cạnh mà thiếu nước dùng".
Đã có nhiều nguyên nhân được xác định dẫn đến những hư hỏng, lãng phí trên, song một nguyên nhân cơ bản là việc quản lý, khai thác công trình thiếu nhất quán, thậm chí còn để người dân tự ý nắn dòng nước đầu nguồn dẫn đưa vào ruộng sản xuất của nhà mình.
Ông Hoàng Văn Khuyến - Tổ trưởng Tổ tự quản công trình Làng Thọc cho biết: "Nguyên nhân nước không về bể lọc là do nguồn nước đã cạn kiệt vì phá rừng, nước thiếu nên xảy ra tranh chấp giữa nước sinh hoạt và sản xuất. Vì vậy việc quản lý rất khó".
Cùng chung số phận “cứ xây xong là hỏng”, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở thôn Làng Mác (xã Vĩnh Lạc) được xây dựng từ năm 2005, và chỉ sau 2 tháng đưa vào sử dụng, từng hạng mục của công trình đã thay nhau hỏng. Ban đầu là bể chứa có dung tích 86m3, sau một vài trận mưa nó đã bị đất đá bồi lấp, thậm chí đến giờ khó có thể tìm được dấu tích của một công trình. Đường ống cấp nước tới các hộ dân cũng bị những người vô ý thức chặt đứt ống dẫn.
Theo nhiều người dân nơi đây, từ khi công trình đưa vào sử dụng, chưa thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm quản lý, sửa chữa. Khi công trình đã hỏng, xã mới giao thiết bị lọc cho gia đình ông Bí thư chi bộ thôn trông coi. Khi được hỏi về lý do xuống cấp của công trình, ông Trương Văn Sương - Bí thư Chi bộ thôn Làng Mác (Vĩnh Lạc) cho biết: "Do công tác thiết kế và bảo quản công trình không được chu đáo nên những người không được sử dụng nước đã tự ý chặt, phá hỏng đường ống...".
Có quản lý, có khác
Trái ngược hoàn toàn với 2 trong số rất nhiều công trình nước sạch khai thác không hiệu quả, bị hỏng hóc xuống cấp của huyện Lục Yên nói trên, thì ở xã Minh Xuân cùng huyện, có một công trình nước sạch mang tên Co Chanh, đã hơn 4 năm nay đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ tốt nhu cầu nước sinh hoạt cho 200 hộ dân ở 3 thôn 17, 19 và 21 của xã.
Đây có lẽ là công trình duy nhất ở huyện Lục Yên chọn được giải pháp quản lý tốt, bởi ngay sau khi đưa vào vận hành, chính quyền xã đã giao cho một doanh nghiệp tư nhân quản lý, nên việc khai thác, vận hành đã đạt hiệu quả như mong muốn.
Ông Hoàng Cao Khoải - Tổ quản lý công trình Co Chanh chia sẻ về cách thức quản lý công trình như sau: "Sau khi được giao công trình, 4 thành viên chúng tôi chia nhau mỗi người quản lý một nhánh, cộng với việc tuyên truyền nên ý thức của bà con rất tốt, vì vậy luôn đảm bảo nước cho người dân sử dụng".
Như vậy, một trong những nguyên nhân khiến các công trình nước sạch ở huyện Lục Yên xuống cấp nhanh, không đạt được hiệu quả chính là do cách quản lý yếu kém của địa phương. Điều này được ông Lê Đình Tiến - Trạm trưởng Trạm Quản lý thủy nông và nước sạch huyện thừa nhận: "Nguyên nhân xuống cấp của các công trình nước sạch là do cách quản lý của địa phương yếu kém, các cấp chính quyền cũng chưa thực sự vào cuộc".
Mai Huyên - Chiều Văn
Tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về NS-VSMTNT giai đoạn 2006-2010 của tỉnh Tiền Giang mới đây cho thấy, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của tỉnh đạt trên 80%, 48% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, gần 6.000 hộ có xây dựng hầm khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi (đạt 29%). Toàn tỉnh có 100% trạm y tế và trường trung học phổ thông có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Hồng Cẩm