Bò đẻ ra... tiền
Xã Cầu Khởi hiện vẫn còn 105 hộ nghèo, nếu cộng cả số cận nghèo thì lên tới 429 hộ. Giải thích nguyên nhân số hộ nghèo và cận nghèo ở Cầu Khởi còn cao so với 10 xã, thị trấn trong huyện, ông Hải cho biết, nguyên nhân chủ yếu là bà con không hoặc có rất ít đất sản xuất. Khi Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chưa ra đời, tuy được ngân hàng phục vụ người nghèo quan tâm nhưng đồng vốn không nhiều, số hộ vay cũng hạn chế, nên việc xóa nghèo của bà con khó khăn. “Nay thì thuận lợi hơn nhiều vì có Ngân hàng CSXH như người bạn đồng hành với ND nghèo”- ông Hải khẳng định.
Bò mẹ và con bê lai Sind của gia đình ông Ba Đô trị giá 20 triệu đồng. |
Gia đình chị Lê Thị Huệ (Chi hội ND ấp Khởi Trung) có 5 nhân khẩu nhưng chỉ có 3.000m2 đất sản xuất. Năm 2004, chị được Hội ND xã giới thiệu vay 8 triệu đồng để mua 1 con bò sinh sản. Phát triển nhanh như nồi cơm Thạch Sanh, đến nay đàn bò của gia đình đã có hơn chục con. Bán bò, vợ chồng chị không những có tiền cải tạo 3.000m2 đất để chuyển sang trồng hơn 200 cây cao su, mà còn xóa được căn nhà tạm trước đây, thay bằng ngôi nhà thoáng mát. Gia đình chị đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Cũng như vợ chồng chị Huệ, gia đình ông Ba Đô ngoài 400m2 đất thổ cư để cất nhà và trồng cỏ nuôi bò, không có đất canh tác. Năm 2005, ông được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 7 triệu đồng mua 1 con bò sinh sản lai Sind. Sau 7 năm, đàn bò của ông phát triển lên hơn chục con, giá bán cao gấp 1,5 lần so với bò thường. “Nếu không có vốn ưu đãi, gia đình tôi không biết xoay xở cách nào để thoát nghèo”- ông Ba Đô tâm sự.
Khác với những hộ thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản, vợ chồng anh Võ Văn Trung sử dụng 5 triệu đồng vốn vay Ngân hàng CSXH mua bò gầy về nuôi rồi bán bò thịt. “Với cách nuôi này, sau 4 năm sử dụng vốn Ngân hàng CSXH, tôi xuất chuồng 8 con bò, mỗi năm lãi 40 triệu đồng mà chỉ cần 1 lao động chăm sóc”. Lợi nhuận từ bò nuôi vỗ béo không chỉ giúp gia đình anh xóa nghèo, mà có vốn đầu tư trồng được 150 cây cao su chuẩn bị thu hoạch mủ.
“Đời các con sẽ không nghèo nữa”
Năm 2007, em Nguyễn Văn Hiếu - con của hội viên Nguyễn Văn Huệ ở Chi hội ấp Khởi Trung đậu Trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh. Anh Huệ được vay 16 triệu đồng Chương trình học sinh, sinh viên để lo cho con đi học. Ra trường, sau khi làm cho một cơ sở cơ khí, Hiếu tự tin thuê mặt bằng mở cơ sở sửa chữa ô tô của riêng mình.
Cơ sở ăn nên làm ra, Hiếu mua được xe tải chuyên chở vật liệu cho xưởng. Năm 2008, con trai thứ hai của anh Huệ là Nguyễn Văn Hai đậu Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin TP.HCM, anh tiếp tục được vay vốn Chương trình học sinh, sinh viên. Năm 2011, ra trường, Hai vừa đi làm vừa theo học chương trình liên thông đại học. “Có nghề, có việc làm, chắc chắn đời các cháu không nghèo như cha mẹ”- anh Huệ tâm sự.
Năm 2007, Nguyễn Thị Thu Trân - con gái ông Ba Đô thi đậu Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Năm 2008, Nguyễn Phú Đức - em của Trân đậu Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức (TP.HCM). “Được vay vốn Chương trình học sinh, sinh viên, vợ chồng tôi động viên các con học giỏi. Cháu Trân giờ là cô giáo THPT dạy ở huyện nhà; cháu Đức ra trường được Công ty Điện lực Tây Ninh nhận làm việc. Gia đình tôi thoát nghèo vĩnh viễn rồi”- ông Ba Đô tâm sự.
Khuynh Diệp