Dân Việt

Người nghèo mất nhà khi vay "tín dụng đen"

Ngọc Lương 07/09/2015 19:01 GMT+7
"Khi gia đình chúng tôi đang ở, bỗng thấy cán bộ của một số ngân hàng đến xem xét để thu hồi nhà đất của chúng tôi. Lúc này mới biết tài sản của mình bị người cho mình vay tiền sang tên, đem thế chấp cho ngân hàng".

Đó là lời kể của một bị hại - ông Vũ Anh Tuấn (Hà Nội) - tại Hội thảo Giải cứu người nghèo khỏi bẫy "tín dụng đen", do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển tổ chức, chiều 7.9.

img

Người dân cần cảnh giác trước bẫy "tín dụng đen" (ảnh minh họa).

Mất nhà vì thiếu hiểu biết

Ông Tuấn cho biết: Do thiếu tiền kinh doanh, không vay vốn được từ ngân hàng, trong năm 2013, gia đình ông đã đến một công ty có trụ sở ở đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) vay tiền. Công ty này do bà N.T.H.Y làm Chủ tịch HĐQT và ông H.P.Đ làm giám đốc.

Công ty trên cho ông Tuấn vay khoảng hơn 300 triệu đồng, lãi suất tính theo ngày. Để nhận được khoản tiền vay, ông Tuấn được giám đốc công ty đề nghị ký hợp đồng chuyển nhượng và giao "sổ đỏ" để làm tin, đảm bảo nghĩa vụ trả lãi và gốc.

"Chúng tôi tin là như vậy và ký, nhưng giữa chúng tôi và bà N.T.H.Y không có bàn giao nhà, không nhận tiền chuyển nhượng" - ông Tuấn cho hay.

Đến năm 2014, khi các cán bộ ngân hàng đến xem xét nhà để thu hồi, gia đình ông Tuấn mới biết tài sản của mình đã bị bà Y đem thế chấp cho ngân hàng để vay tiền. "Lúc này chúng tôi mới biết mình đã bị lừa khi ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho bà Y. Tưởng hợp đồng ký đó chỉ để làm tin, bởi gia đình chúng tôi vẫn sống trong ngôi nhà này, không có bất kỳ ai đến đo đạc, xem xét, kiểm tra, đánh gia các văn bản giấy tờ để thế chấp ngân hàng", ông Tuấn cho hay.

Hiện vụ việc đã được ông Tuấn tố cáo ra cơ quan công an.

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn và luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), trong quá trình làm việc, hai ông và các đồng nghiệp đã gặp rất nhiều trường hợp vay vốn từ "tín dụng đen" rồi rơi vào hoàn cảnh như ông Vũ Anh Tuấn.

"Hành vi "tín dụng đen" rất đa dạng, phức tạp, người dân thiếu hiểu biết rất dễ bị lừa. Việc vay tiền từ "tín dụng đen" thủ tục nhanh gọn, người vay chỉ cần ký vào sổ vay và làm theo đề nghị của bên "tín dụng đen" như ký vào hợp đồng mua, bán chuyển nhượng nhà ở, đất ở mà mình đang ở cho bên "tín dụng đen" với giá chuyển nhượng bằng số tiền được vay, nhưng thấp hơn nhiều so với thực tế. Ví dụ được vay 300 triệu đồng, nhưng phải ký chuyển nhượng ngôi nhà trị giá từ 2 - 3 tỷ đồng. Người vay tiền ký vào văn bản đó vì tưởng việc đó chỉ để làm tin, xem như một hình thức thế chấp tài sản cho bên "tín dụng đen". Sau khi có được hợp đồng mua bán trên, đối tượng "tín dụng dụng" đã bán hoặc đem giấy tờ đó đi thế chấp ngân hàng vay hàng tỷ đồng", luật sư Tuấn cho biết.

Tội phạm phát sinh từ "tín dụng đen"

Thượng tá Trần Thị Thúy - Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết: Tình trạng "tín dụng đen" hiện diễn ra phổ biến, có sự tham gia của các đối tượng hình sự nguy hiểm, một số lợi dụng núp bóng các doanh nghiệp để thực hiện hành vi phạm tội. Từ năm 2010 đến năm 2014, lực lượng công an đã điều tra làm rõ và khởi tố hơn 5.800 vụ, với gần 10.900 bị can liên quan đến "tín dụng đen", trong đó có gần 1.500 vụ lừa đảo, gần 2.000 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản...

"Ngoài ra còn những hệ lụy phát sinh từ "tín dụng đen" dẫn đến các hành vi phạm pháp khác như bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác, cưỡng đoạt tài sản...", thượng tá Thúy cho biết.

Đề cập đến những giải pháp để giúp người dân tránh khỏi bẫy "tín dụng đen", thượng tá Thúy cho hay: Nhà nước cần phải rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, dân sự, hành chính để xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

"Lực lượng công an các địa phương cần tập trung rà soát, nắm tình hình tội phạm, lên danh sách những tổ chức, cá nhân có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen" để tập trung biện pháp đấu tranh triệt phá, không để chúng hoạt động kéo dài, gây ra những vụ việc phức tạp", thượng tá Thúy nói.