Dân Việt

Giáo dân nhiệt tình làm đường

Tân Tiến 10/09/2015 06:00 GMT+7
Đưa tay chỉ những con đường bê tông sạch bong, ông Trần Đức Tuấn - Phó Ban thường vụ Hội đồng giáo xứ (HĐGX) Phong Cốc, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nhớ lại: “Trước kia khu vực này lầy lội lắm. Nhà thờ đã họp HĐGX, rồi thống nhất quyết định vận động giáo dân làm đường hỗ trợ địa phương”...

Theo ông Tuấn, đa phần bà con xung quanh khu vực nhà thờ Phong Cốc, sống bằng nghề trồng rau truyền thống nên đời sống còn khó khăn. Lúc đầu nghe chính quyền nói làm đường sẽ phải đóng góp, kể cả hiến đất nên một số giáo dân còn ngại.

Có lợi là dân hưởng ứng

Trước thực trạng những con đường đất trong khu vực quá nhỏ hẹp, mùa nắng thì bụi, mưa thường xuyên bị nước đọng gây cảnh lầy lội mất vệ sinh, đặc biệt gây khó khăn cho việc đi lại nên HĐGX cử các thành viên đến từng hộ để vận động, chỉ ra những cái lợi của việc nâng cấp đường để cho chính bà con hưởng lợi thì hầu hết bà con hưởng ứng nhiệt tình.

img

Nhiều giáo dân đã đóng góp tài sản, công sức để những con đường khang trang như hôm nay. Ảnh: T.T

“Khi giáo dân đã đồng tình, chúng tôi khảo sát thống kê được 12 tuyến đường đất, mỗi tuyến dài khoảng 500m. Sau khi tính toán số tiền đóng góp của mỗi hộ, chúng tôi mua vật tư, tự thi công. Đối với những đoạn đường bị thắt lại hoặc ở những góc rẽ quá nhỏ, thường xảy ra tai nạn về đêm, thành viên HĐGX tiếp tục vận động giáo dân có đất và nhà ngay đoạn đó hiến đất. Nhận thấy việc hiến đất làm cho đường rộng đồng đều, bớt tai nạn nên bà con hiến đất mà không so đo”- ông Tuấn, nói.

Cách làm đường ở giáo xứ Phong Cốc theo kiểu cuốn chiếu, đường này xong mới làm tiếp đường khác. Vì vậy, khi nhìn thấy tuyến đường đầu tiên được đổ bê tông quá đẹp, nhiều giáo dân có nhà ở những tuyến đường nằm trong diện phải nâng cấp nhưng chưa đến lượt thi công, đã đề nghị HĐGX cho họ… góp thêm nhân công để không những giảm chi phí đầu tư mà còn đẩy nhanh tiến độ hòan thành đường trước nhà.

1 năm xong 12 tuyến đường

Với thời gian từ 10-15 ngày xong 1 tuyến đường, nên chỉ trong năm 2011, giáo dân thuộc giáo xứ Phong Cốc đã hoàn thành 12 tuyến đường do HĐGX đưa ra.

"Khi địa phương xây dựng nông thôn mới, giáo dân nhận thấy việc nâng cấp đường không những đem lại lợi ích cho chính gia đình mình, mà còn giúp địa phương hoàn thành nhiệm vụ thì họ nhiệt tình hưởng ứng thôi”.
Ông Trần Đức Tuấn 

Ông Nguyễn Văn Thông - giáo dân ấp Bình Phong phấn khởi nói: “Khi những tuyến đường làm xong, chúng tôi phấn khởi lắm, các bà đã không còn té ngã vì trơn trượt như trước kia. Trẻ con có thể chạy ra đường chơi đùa mà không sợ bẩn quần áo do bùn lầy. Từ ngày đường được nâng cấp, mở rộng hơn, xe ôtô, xe tải đã có thể ra vào chở người, hàng hóa”.

Theo ông Tuấn, với cách tự chủ khi thi công và giám sát thi công, mỗi tuyến đường chỉ tốn trên 100 công lao động cộng với vật liệu xây dựng, tổng cộng nhân lực bỏ ra làm 12 tuyến đường khoảng trên 1.000 công, giá trị gần 2 tỷ đồng. Đến nay chất lượng đường vẫn tốt.

Ông Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thái Bình nói: “Trong việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, về phía Mặt trận Tổ quốc liên quan đến 12 tiêu chí, trong đó có tiêu chí xây dựng đường giao thông nông thôn. Vì thế, chúng tôi cử cán bộ xuống giáo xứ để vận động, tuyên truyền. Hoạt động này được giáo dân hưởng ứng nhiệt tình vì đường làm xong chính họ là những người trực tiếp thụ hưởng. Việc thi công 12 tuyến đường nói trên, nòng cốt là giáo xứ Phong Cốc, họ đạo Sen Hồ cùng giáo dân góp công, của. Với cách làm sáng tạo nêu trên đã góp phần hoàn thành tiêu chí 2 trên địa bàn ấp Bình Phong. Mới đây TP.Tây Ninh cũng cử đoàn đến tham quan học tập mô hình làm đường giao thông ở đây”.