Dân Việt

Sơn La: Phải có quảng trường để trở thành đô thị loại 2 (?!)

Vạn Xuân 08/09/2015 06:53 GMT+7
Theo tiêu chí đô thị loại 2, tỉnh Sơn La còn thiếu một số thiết chế văn hóa như: quảng trường, bảo tàng, công viên cây xanh... do vậy việc xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường Tây Bắc là cần thiết.

Như Infonet đã đưa tin, Tỉnh ủy Sơn La vừa ban hành đề cương tuyên truyền về chủ trương xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường Tây Bắc tại TP Sơn La.

Đáng chú ý trong đề cương này, Tỉnh ủy Sơn La đưa ra 4 lý do giải thích cho việc cần thiết phải xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường Tây Bắc gồm:

Thứ nhất, những địa danh nơi Bác Hồ và đoàn đại biểu đến thăm giờ đây đã trở thành những di tích lịch sử được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Sơn La công nhận xếp hạng và trở thành nơi giáo dục truyền thống cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. (Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn đại biểu Chính phủ lên thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc ngày 7/5/1959 nhân kỷ niệm 5 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ).

Kể từ khi Bác Hồ lên thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc - Sơn La đến nay đã gần 60 năm, cùng với thời gian, hình ảnh thân thương, tình cảm ân cần của Người mãi mãi khắc ghi, ngày càng sâu đậm trong trái tim đồng bào các dân tộc. Vì vậy, việc xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc là ước nguyện thiêng liêng của cấp ủy, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân, để ghi dấu một sự kiện lịch sử có một không hai - Bác Hồ lên thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

img

 Quảng trường Hồ Chí Minh ở Vinh, Nghệ An. (Ảnh minh họa: Cao Đình Đông)

Thứ hai: là địa phương giàu truyền thống cách mạng, là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây bắc Việt Nam, tỉnh Sơn La được Trung ương Đảng và Chính phủ xác định là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc cho nên việc xây dựng tượng đài Bác Hồ để mãi mãi khắc ghi lời dạy của Người: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, để đồng bào Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng thể hiện lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, mãi mãi đi theo con đường của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; không ngừng nâng cao cảnh giác và phát huy truyền thống cách mạng.

Thứ ba: thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020, để từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại 2 vào năm 2020 phù hợp với chương trình phát triển đô thị được phê duyệt, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của thành phố Sơn La.

Theo tiêu chí đô thị loại 2, tỉnh Sơn La còn thiếu một số thiết chế văn hóa như: quảng trường, bảo tàng, công viên cây xanh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và nhiều công trình hạ tầng đô thị… do vậy việc xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường Tây Bắc tại thành phố Sơn La là cần thiết và đạt được các mục tiêu: Tạo ra một thiết chế văn hóa đặc biệt quan trọng cả về chính trị - lịch sử - văn hóa, thể hiện tình cảm sâu nặng, lòng thành kính, biết ơn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tây Bắc đối với Bác Hồ, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng cho các thế hệ; Góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của thành phố Sơn La, từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại 2 vào năm 2020, xứng đáng là đô thị Trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; Sắp xếp ổn định việc làm và cuộc sống cho một bộ phận nhân dân thành phố Sơn La.

Thứ tư: xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường Tây Bắc tại thành phố Sơn La, là bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết các dân tộc, về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, đặc biệt giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.         

Theo Tỉnh ủy Sơn La, sau khi có các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh Sơn La đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 2156) và thành lập 4 tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo.

Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường Tây Bắc tại thành phố Sơn La. Đây là cơ sở để UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các bước thủ tục đầu tư theo đúng quy định hiện hành của nhà nước, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định (việc xây dựng và thông qua đề án chỉ là bước thống nhất chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; chưa phê duyệt dự án đầu tư và cơ cấu nguồn vốn; chưa giải ngân thanh toán bất cứ nội dung gì trong bước chuẩn bị đầu tư). 

Hiện tỉnh đang giao cho các cơ quan chuyên môn lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án theo quy định Luật đầu tư công, chỉ đạo thẩm định các báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định (phần nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ), dự kiến báo cáo HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 6 (tổ chức vào trung tuần tháng 9/2015). Chỉ đạo hoàn thiện phương án quy hoạch chi tiết 1/500 để sớm công bố công khai quy hoạch.

“Đây là đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tỉnh đã tổ chức đi học tập, rút kinh nghiệm tại một số tỉnh đã và đang xây dựng tượng đài Bác Hồ như Nghệ An, Thái Bình, Tuyên Quang, Gia Lai… trên cơ sở đó Ban Thường vụ tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo 2156 đang chỉ đạo điều chỉnh dự thảo quy hoạch chi tiết 1/500 đảm bảo tính khoa học, hiệu quả và tiết kiệm”, Tỉnh ủy Sơn La khẳng định.