Dân Việt

"Chết" vì đa cấp kiểu mới - Bài 2: Đa cấp không chừa ai

Hồng Minh 08/09/2015 08:23 GMT+7
Cơn bão đa cấp từng ngày “càn quét” qua các mái nhà từ nông thôn nghèo cho đến thành phố lớn gây nhiều hệ lụy. Pháp Luật TP.HCM chuyển tải một số ý kiến người trong cuộc.

Dính vào dễ bị cuốn theo

Cách đây gần hai năm, khi tôi ra trường chưa có việc làm, thấy một công ty quảng cáo tuyển nhân viên tư vấn làm việc, không cần kinh nghiệm, lương cao, tôi xin vô làm. Sau đó, họ kêu mình đóng tiền để học kỹ năng quản lý rồi mới làm việc.

Học xong họ lại nói phải kêu gọi người khác vô học thì mới có lương, rồi học thêm các khóa kỹ năng nâng cao, tiếp tục đóng tiền. Họ luôn thúc giục mình phải tìm người mới lôi kéo vô để được chia tiền hoa hồng kiểu đa cấp. Lúc này tôi mới nhận ra bản chất và quyết định từ bỏ, không lôi kéo người khác vào.

Tôi đã mất thời gian, tiền dành dụm để cầm cự trong thời gian đi xin việc. Ra trường thất nghiệp đã căng thẳng rồi, bị mất tiền cho công ty này nữa. Nhiều sinh viên mới ra trường non kinh nghiệm, những người đang thất nghiệp muốn tìm việc khác cũng bị bẫy. Ai nấy đều rất bức xúc. Thế nhưng vẫn có người bị cuốn theo và rủ rê, dụ dỗ người khác vào để gỡ lại.

Anh ĐVH, Tân Uyên, Bình Dương

Tai tiếng vì vướng vào đa cấp

Tôi tham gia một nhóm thiện nguyện, thường xuyên đi làm từ thiện. Một hôm, có người bạn giới thiệu tôi vào một CLB ở Tân Bình để vừa chăm sóc sức khỏe bản thân và người khác, vừa làm giàu chính đáng. CLB yêu cầu đóng tiền lấy mã số kèm một số sản phẩm và mời người mới làm “cấp dưới” để được hưởng hoa hồng với số tiền có thể rất lớn. Nếu cấp dưới không mời được thêm người mới thì cũng không ai mất gì bởi đã được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

img

 Các trưởng chi nhánh, hội viên quỹ doanh nhân đa cấp bức xúc sau cuộc họp đòi tiền không được. Ảnh: HM

Tôi thấy hợp lý nên giới thiệu cho người thân, bạn cùng làm từ thiện với tôi. Chúng tôi đóng tiền, đưa người khác tham gia rồi đợi hoài mà không thấy hoa hồng. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thì chỉ làm cho có. Họ mời một bác sĩ tới nói chuyện qua loa rồi xong. Sản phẩm của họ đắt hơn ở bên ngoài gấp mấy lần. Nhiều người đã bỏ ra hàng chục triệu đầu tư để rồi mất trắng. Bạn bè, người thân cũng trách giận tôi. Nhẹ thì nói tôi nhẹ dạ, nặng thì nói tôi tiếp tay đa cấp. Giờ nghe nói tới đa cấp là tôi chạy dài.

Ông TRTĐ, quận 6, TP.HCM

Gia đình suýt tan nát

Cách đây vài năm, tôi được bạn bè rủ đem tiền đi đầu tư một gian hàng ảo trên mạng Internet, giá hơn 5 triệu đồng/gian. Gian hàng đó chẳng thấy buôn bán gì nhưng tôi được hứa hẹn sẽ kiếm được tiền nhiều khi mời người khác tham gia hệ thống đa cấp ảo giống tôi.

Cứ mỗi người mới vào chơi thì tôi được hưởng hơn 1 triệu đồng. Đó là hoa hồng trực tiếp, ngoài ra còn có tiền cấp dưới chuyển lên khủng hơn nhiều. Công ty đa cấp họ có tài thuyết phục và tôi đã bỏ qua sự khuyên can của gia đình và đầu tư hơn 20 triệu đồng. Sau một thời gian, việc làm ăn của công ty bị “sờ gáy”, tiền tôi không rút ra được. Nhiều người thân, bạn bè được tôi “tư vấn” vào hệ thống xa lánh.

Tôi và vợ cũng lục đục một thời gian nhưng cũng may tôi “đầu tư” không nhiều nên vợ mới bỏ qua. Đây là bài học nhớ đời cho tôi.

Ông NHT, Hà Nội

Tỉnh táo trước “màn trình diễn”

Tôi là một giáo viên, luôn cho rằng mình tỉnh táo, bản lĩnh trước các mánh khóe. Một dịp, tôi được bạn rủ dự hội thảo về kinh doanh đa cấp. Tôi đi vì tò mò muốn biết họ dùng chiêu bài gì.

Vậy mà tôi bị “đơ” trước màn trình diễn quá ấn tượng của “một tỉ phú Thái Lan”. Bà giới thiệu trước đây là bác sĩ, bà bỏ sự nghiệp đang thuận lợi để đến với công ty này vì nhận ra chỉ có đa cấp thông minh mới giúp con người theo đuổi ước mơ. Gương mặt bà phúc hậu, cử chỉ dễ mến lại chân thành. Hội trường vỗ tay không ngớt. Họ cho rằng những người nói xấu đa cấp thực ra chỉ là những kẻ thất bại và đừng để kẻ thất bại ngáng đường.

Tôi bị thôi miên và suy nghĩ về ước mơ thời trẻ của mình. Tôi lao vào bán hàng đa cấp và thuyết phục anh em, họ hàng, kể cả phụ huynh học sinh cùng vào. Kết quả, tôi mất nhiều thời gian, mối quan hệ tốt đẹp mà thu nhập vẫn không đủ bù chi phí. Đến khi tôi được biết một nhà phân phối lớn đã phải bỏ trốn vì vay nợ quá nhiều, tôi nhận ra mình đã sai lầm.

Tôi mất một số tiền đã dành dụm trong nhiều năm. Nhưng vẫn may mắn chưa đổ nợ như nhiều người khác. Mong rằng mọi người cần tỉnh táo, tránh vào bẫy đa cấp.

Ông NVT, giáo viên ở Tây Ninh

Thổi phồng về giàu có, né rủi ro

Tôi buôn bán quần áo ở Bình Dương, cuộc sống bình thường. Một hôm, một khách hàng thuyết phục tôi tham gia một công ty đóng tại Bình Dương. Họ cho tôi xem giấy tờ của công ty có chủ tịch HĐQT là một phó giáo sư, tiến sĩ. Công ty này thuộc một bộ… Tôi cảm thấy tin tưởng nên tham gia.

Tôi vay mượn gần 50 triệu đồng mua thuốc, thực phẩm chức năng của công ty. Sau đó tôi mới hay nhiều người bỏ ra số tiền rất lớn nhưng không lấy lại được, bị vỡ nợ. Những sản phẩm họ bán chỉ bình thường, không có tên tuổi nhưng giá quá cao nên ít người mua. Hầu hết người mua đều là những “người đầu tư” theo sự dẫn dắt của công ty với hy vọng trở nên giàu có. Tôi muốn trả lại sản phẩm, chấp nhận lỗ cũng không được và coi như bị mất một khoản.

Tôi nhận ra rằng các công ty đa cấp hay thổi phồng về sự giàu có song không bao giờ nói thật về những rủi ro đến sự trắng tay mà bạn có thể gặp.

Chị NTVV, Dĩ An, Bình Dương

Chỉ giữ một ít tiền làm phí (!?)

Công ty VP (doanh nghiệp lập quỹ hỗ trợ và quỹ doanh nhân trong số trước chúng tôi đã nêu - NV) không giữ vốn của người chơi mà chỉ giữ lại một số tiền nhỏ làm phí văn phòng.

Mọi người gọi là quỹ nhưng chính xác hơn đây là chương trình hỗ trợ hoặc hụi đa cấp thông minh. Chương trình này được thực hiện theo Nghị định 144/2006.

Tuy nhiên, quá trình triển khai, các nhà phân phối làm mất tiền người chơi chứ không phải lỗi công ty. Nhiều người không mời được người mới sau thời gian quy định sẽ bị mất tiền, hoặc chấm dứt hợp đồng cũng bị mất tiền. Các “đầu line” hiểu không đúng chính sách công ty nên xách động người chơi đòi tiền, lộn xộn một thời gian. Chúng tôi đã phải ngưng chương trình cũ hai tháng. Nay đã mở lại và có hơn 2.000 thành viên mới.

Ông NGUYỄN VIẾT HƯNG, Giám đốc Chi nhánh Công ty Vạn Phúc tại TP.HCM

Có dấu hiệu trái luật

Một công ty muốn thành lập quỹ phải dựa vào Nghị định 30/2012 với các điều kiện nghiêm ngặt. Việc dựa vào Nghị định 144/2006 về hụi, họ, biêu phường (gọi chung là họ) là không đúng. Riêng về họ, đây là hình thức huy động vốn và cho vay theo tập quán sinh sống chứ không phải là hình thức để lập công ty thực hiện.

Để thực hiện dịch vụ về tài chính, huy động vốn hay cho vay đều là lĩnh vực ngân hàng, tài chính nên phải đăng ký theo thủ tục ngặt nghèo theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng, theo quy chế của Ngân hàng Nhà nước. Cho nên việc hai công ty trên hoạt động huy động vốn như đã nêu có dấu hiệu trái quy định.

Ngoài ra, việc đưa ra các thông tin không trung thực và dựa trên hành vi không được phép và nếu có động cơ chiếm đoạt vốn còn có dấu hiệu hình sự nữa.

Luật sư LÊ LUÂN, Đoàn Luật sư TP Hà Nội