Dân Việt

Chuyên gia lý giải vì sao Hà Nội hễ mưa là ngập

Công Phương 08/09/2015 14:39 GMT+7
Trận mưa sáng sớm nay (8.9) tại Hà Nội đã gây ngập lụt ở nhiều tuyến phố, nước tràn cả vào nhà dân, quán ăn, cửa hàng... có nơi ngập sâu đến nửa mét.

img

Trận mưa lớn sáng nay (8.9) khiến nhiều con phố tại Hà Nội ngập sâu

Quy hoạch chưa tốt

Trao đổi với Dân Việt, PGS Nguyễn Văn Hùng – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: “Hà Nội cứ mưa lớn là ngập, một phần do quy hoạch hệ thống thoát nước bị chậm lại so với đô thị hóa. Mặt khác, vỉa hè, lòng đường đều bị bê tông hóa, các hồ điều hòa bị thu hẹp cũng là nguyên nhân gây ngập lụt”..

Ông Hùng phân tích, quy hoạch tổng thể Hà Nội chưa tốt, đang thiếu tầm nhìn, làm theo kiểu "rách đâu vá đấy". Ngày trước, Hà Nội có nhiều hồ điều hòa và diện tích đất tự ngấm. Bây giờ, lòng đường, vỉa hè bị bê tông hóa, diện tích đất ao hồ bị thu hẹp dẫn tới Hà Nội cứ mưa lớn là ngập. Ông Hùng kiến nghị, phải tạo diện tích đất tự ngấm và bể ngầm.

Quá trình đô thị hóa đã tạo ra bề mặt không thấm nước như mái nhà, bê tông, đường nhựa,… làm tăng lưu lượng nước đổ vào ống thoát nước, kênh mương. Do đó, muốn thoát được nước phải có độ chênh mặt nước để có thể chuyển từ nơi này sang nơi khác theo nguyên tắc bình thông nhau.

Trong khi đó, xây dựng lấp dòng chảy tự nhiên, một số đường ống võng xuống giống yên ngựa, gây tích nước trong hệ thống ống thoát. Độ chênh mặt nước giữa hồ chứa và dòng kênh chính thoát ra ngoài không có, sẽ gây ngập lụt khi mưa lớn.

Ông Nguyễn Văn Hùng đưa ra giải pháp, cần kiểm tra hệ thống thoát nước có bùn đất, rác thải hay không? Từng khu đô thị, tòa nhà phải có hồ điều hòa, các bãi cỏ, vỉa hè tự thấm nước. Ở vườn hoa, phải tạo ra bể ngầm, lấy nước dùng để cứu hỏa, tưới cây, rửa đường vừa là chống mất nước mặt, giảm độ thất thoát nước ngầm, đồng thời Hà Nội sẽ giảm sụt lún và ngập lụt.

“Hà Nội gặp mưa lớn, công nhân thoát nước khơi thông dòng chảy chỉ là giải pháp tạm thời. Hà Nội không tạo được độ chênh giữa mặt nước đường phố và mặt nước các sông thì nước thoát đi đâu? Chỉ có thể ngập thôi!” – Ông Hùng nhấn mạnh.

Cần cải tạo hệ thống thoát nước

GS.TS Dương Thanh Lượng – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủy Lợi cho biết, trận mưa trên dưới 100mm khiến nhiều tuyến phố Hà Nội ngập lụt. Nguyên nhân là nước từ các tuyến cống chưa thoát xuống mạng tiêu thoát chính của thành phố.

Ông Lượng nói, Việt Nam là một trong những điểm mưa, rốn mưa của khu vực, thuộc các nước có mưa ngắn giờ với lưu lượng cao của thế giới. Theo quy hoạch thiết kế hệ thống thoát nước đáp ứng được lượng mưa 340mm cho 3 ngày, tần suất giải quyết được 90% không bị ngập, 10% cho phép ngập. “Tuy nhiên, nước mình giải quyết đến mức 340mm cho 3 ngày là mức phấn đấu, còn lâu nữa mới đạt được. Lượng mưa 70mm trong 30 phút thì hệ thống thoát nước hiện tại của chúng ta chỉ đạt tần suất 50-60% không bị ngập” – ông Lượng phân tích.

Chuyên gia Thủy lợi cho biết, mặt đường là nơi chứa nước tạm thời trong một số giờ nhất định còn thiết kế thoát nước không bao giờ tràn lên mặt đường không phải là khoa học. Do đó, cho phép ngập ở trên mặt đường, không cho phép tràn vào các công trình quan trọng như tòa nhà, cửa hàng, siêu thị.

img

Nước ngập vào nhà dân tại ngã ba Kim Mã Thượng - Liễu Giai (sáng 8.9)

Ông Lượng đưa ra giải pháp, để Hà Nội tránh ngập lụt cần xây thêm các tuyến ống thoát nước dẫn ra trục chính. Cải tạo và xây thêm các mạng cấp 2, cấp 3 bởi hệ thống thoát nước hiện tại chưa tốt. Tuy nhiên, để làm đồng bộ toàn thành phố, cần kinh phí lớn. Trước mắt, nên xây dựng hệ thống thoát nước cấp 1 sau đó đến cấp 2.

Nếu 1 hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, hệ thống đó tự động thoát hết nước. Giải pháp gặp mưa lớn, công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội đứng mở nắp cống, vớt rác khơi thông dòng chảy chỉ là giải pháp tạm thời không phải lâu dài.

Trước mắt, cần thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy, không vứt rác thải xuống cống gây tắc nghẽn trong cống, khó lưu thông nước dẫn tới ngập lụt.

“Với hệ thống thoát nước Hà Nội, nếu cải tạo toàn bộ mạng lưới thoát nước từ cấp 1 đến cấp nội bộ thì khối lượng công việc rất nhiều, vốn đầu tư hàng tỷ đô la. Do đó, cần nghiên cứu đưa ra phương án giải quyết tạm thời tránh ngập lụt và có tầm nhìn quy hoạch cho tương lai” – ông Lượng nhấn mạnh .