Trao đổi với phóng viên chiều 8.9, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - quyền Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư - cho biết, ngày 4.9, một phụ nữ ở Hà Nội được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng.
Theo bác sĩ Cấp, bệnh nhân này vốn bị tiểu đường, mặc dù nhọt ở mông chưa hình thành mủ, nhưng sau 1 ngày bệnh nhân đã tự ý chích nhọt. Sau vết chích sưng tấy lan rộng, bệnh nhân không đi lại được, và sốt cao liên tục. Sau 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện hôn mê và được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.
Tại đây, các bác sĩ cho chụp CT scanner phát hiện nhiều ổ tổn thương ở gan, lách, não và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Khi vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, bệnh nhân đã trong tình trạng sốc nhiễm trùng nặng. Do tình hình bệnh nhân quá nặng và tiên lượng xấu nên gia đình đã xin cho bệnh nhân về.
Bệnh nhân cấp cứu tại bệnh viện.
Bác sĩ Cấp cho biết, từ trước đến nay bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị áp xe, nhiễm trùng máu vì tự nặn mụn nhọt và đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong vì áp xe, nhiễm trùng mà không được điều trị kịp thời.
Qua trường hợp này, bác sĩ Cấp khuyến cáo để tránh bị mụn, mọi người cần duy trì thói quen rửa mặt đều đặn vào mỗi buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ, để loại trừ những bụi bẩn và chất nhờn bám trên da, giúp cho các lỗ chân lông được thông thoáng. Nếu muốn sử dụng thuốc chữa mụn, không nên tự ý mua thuốc trị mụn về sử dụng, mà thay vào đó hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và kê đơn thuốc điều trị hiệu quả.
“Tránh việc tự ý mua thuốc về sử dụng, bởi nếu thiếu sự hiểu biết không những không giúp bạn trị được mụn, mà còn khiến cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn rất nhiều”, bác sĩ Cấp khuyến cáo.
Chuyên gia cũng cảnh báo, nhiều người sau khi mặt có mụn tự ý nặn mụn dẫn đến nhiễm trùng, viêm da. Bởi khi vi khuẩn từ các mụn nhọt ở đây lọt vào hệ thống tĩnh mạch sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng máu - một loại nhiễm trùng toàn thân, nếu không điều trị kịp thời và đúng cách rất dễ tử vong, ngay cả khi được điều trị tích cực, tỉ lệ tử vong cũng cao.
Trước đó, trên mạng xã hội có thông tin về một nam thanh niên 25 tuổi ở Hà Nội chết vì nặn mụn. Tuy nhiên, lãnh đạo Bệnh viện Da liễu T.Ư khẳng định, không có bệnh nhân nào tử vong vì nặn mụn tại bệnh viện.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư, bệnh viện không tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nào bị tử vong sau khi nặn mụn. Các trường hợp cấp cứu vì sốc nhiễm trùng thường là Bệnh viện Bạch Mai hoặc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư.