Đến ngày 7.9 có 16 hộ nuôi bị thiệt hại, tập trung ở các tiểu khu 1, 2 và 3. Theo thống kê sơ bộ, số lượng cá bị chết ước tính khoảng 30.000 con (cá bớp, cá chim). Riêng trường hợp của hộ ông Dương Văn Hùng bị thiệt hại nặng nhất, với tổng số 44 lồng nuôi, bao gồm 15.000 con cá chim trắng loại nhỏ khoảng 0,3 – 0,5kg/con; 3.000 con cá bớp, trong đó có khoảng 1.000 con cá bớp có trọng lượng lớn gần thu hoạch, kích cỡ từ 5 - 6kg/con, còn lại là loại nhỏ mới thả nuôi khoảng 3-4 tháng, kích cỡ từ 0,1-0,3kg/con; ước thiệt hại ban đầu khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Cá chết đồng loạt ở các lồng bè. Ảnh: Người Lao Động
Ông Hoàng Minh Thành - một hộ nuôi có cá chết trong đợt này cho biết: “Cá chết hàng loạt mà chúng tôi không có cách nào để cứu. Để có các lồng nuôi này, chúng tôi đã phải vay vốn ngân hàng. Cá chết hết, không biết lấy tiền đâu để tái tạo sản xuất cũng như trả lãi ngân hàng”.
Vì quá bức xúc trước tình trạng cá nuôi chết liên tục trong mấy năm qua và cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do các nhà máy chế biến hải sản ở xã Tân Hải xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Chà Và, các hộ dân bị thiệt hại đã đem cá chết đổ trước cổng nhà máy.
Theo các ngư dân có cá chết, sở dĩ họ xác định nguyên nhân do các nhà máy xả thải là bởi chỉ những lồng nuôi cá ở gần khu vực cống xả thải của các nhà máy bị chết. Các nhà máy chế biến hải sản ở xã Tân Hải đã lợi dụng ngày nghỉ hay trời mưa để xả nước thải chưa qua xử lý ra cống xả số 6. Nước từ cống xả này đã lan chảy ra sông Chà Và, làm cá chết vì bị ngộp khí, thiếu ôxy...
Liên quan đến vụ việc, tại cuộc họp giải quyết vấn đề trên hôm 7.9, ông Nguyễn Thanh Tịnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã yêu cầu các ngành chức năng xác định rõ nguyên nhân, và giả sử nếu nguyên nhân là do các nhà máy chế biến hải sản gây nên thì phải có xác định cụ thể để sau này lấy cơ sở buộc bồi thường...