Minh bạch các khoản phí
Mới đây Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 113 về việc bãi bỏ 14 khoản phí (bãi bỏ 13 khoản, sửa đổi 1 khoản) liên quan đến cấp giấy phép có thu lệ phí và 21 khoản thu phí thú y ở các khâu khác nhau.
Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy ngành nông nghiệp vẫn đang nắm giữ số khoản phí kỷ lục, trong đó riêng ngành thú y còn tới 568 khoản với 18 lệ phí, 550 khoản phí; thuỷ sản có 183 khoản phí và chăn nuôi có 16 lệ phí, 1 khoản phí. Tuy Bộ NNPTNT “sở hữu” nhiều các khoản phí, lệ phí nhất, nhưng theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng số thu các khoản phí, lệ phí đối với công tác thú y hàng năm chỉ khoảng 350 tỷ đồng.
Những dịch vụ tiêm phòng cho gia súc, gia cầm có thể sẽ được xã hội hóa (ảnh: Tiêm phòng dịch cho lợn ở huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Ảnh: T.X
Ông Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, đối với người chăn nuôi, điều quan trọng nhất và mong mỏi nhất là mọi thứ sẽ được minh bạch, không còn lợi ích nhóm, các khoản phí cũng không còn chồng chéo.
“Tôi ủng hộ chủ trương xã hội hóa, bởi khi thực hiện xã hội hoá các khoản phí kiểm dịch, cơ quan nhà nước chỉ còn thực hiện chính sách, còn các dịch vụ công cơ bản chuyển lại cho tư nhân làm sẽ chuyên nghiệp và đảm bảo công khai minh bạch hơn. Vai trò của cơ quan quản lý khi đó chỉ là giám sát cho đảm bảo các tiêu chuẩn và quy định của Nhà nước. Mặc khác, việc triển khai xã hội hoá phí kiểm dịch cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với xu hướng của nhiều nước đang áp dụng”- ông Trúc nói.
Theo ông Trúc, ở các nước, dịch vụ chủ yếu do các hiệp hội, hợp tác xã làm. Như Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cũng có thể làm được một số dịch vụ nếu các khoản phí, lệ phí được chuyển sang thực hiện xã hội hóa. “Nhìn lại danh sách các khoản phí, lệ phí vừa qua đã được bãi bỏ, cho thấy có rất nhiều phí lệ phí vô lý như phí kiểm dịch trứng tằm, trứng cút, trứng đà điểu, kiểm dịch tinh dịch động vật, phí đánh dấu gia súc... Do đó, việc bãi bỏ là hoàn toàn hợp lý”- ông Trúc phân tích.
Ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, chủ trương xã hội hoá các khoản phí và lệ phí đã được hiện thực hoá bằng dự thảo luật phí, lệ phí đang được Quốc hội cho ý kiến, về cơ bản đã xong. Đây là chủ trương nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và đang được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, lĩnh vực phí kiểm dịch động vật và thực vật thì vẫn còn một số khoản phải do các cơ quan nhà nước thực hiện, vì các đơn vị tư nhân chưa thể trang bị các máy móc, thiết bị hiện đại để thực hiện.
Theo ông Thể, con số thống kê của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, lĩnh vực thú y vẫn còn 18 lệ phí, 550 khoản phí, nhưng đó là cách tính đồng nhất chứ thực chất là không nhiều tới mức như thế.
Ví dụ, kiểm dịch một vấn đề liên quan tới thực vật thì có rất nhiều chỉ tiêu vi sinh, chỉ tiêu nấm mốc, chỉ tiêu dư lượng kháng sinh… “Theo dự kiến khi thực hiện luật phí và lệ phí thì lĩnh vực kiểm dịch động vật chỉ còn khoảng 60 loại phí, lệ phí chủ yếu liên quan tới kiểm dịch. Còn các lĩnh vực khác như chẩn đoán bệnh, xét nghiệm… sẽ tiến hành xã hội hoá” - ông Thể cho biết.
TS Nguyễn Minh Phong- chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước có 2 chức năng chính là quản lý xã hội và quản lý dịch vụ công. Trong đó, dịch vụ công cũng được đưa ra 2 loại, 1 loại là do Nhà nước độc quyền và một loại có thể tiến hành xã hội hoá. “Theo dự thảo luật phí, lệ phí sẽ tiến hành chuyển phí, lệ phí thành giá dịch vụ, bỏ 19 khoản không đúng và chuyển khoảng 19 khoản sang dịch vụ theo giá thị trường”- ông Phong nói.
Mới đây, Bộ NNPTNT đã có cuộc họp “tổng rà soát” các khoản phí, lệ phí thuộc ngành nông nghiệp. Tới đây, Bộ sẽ có đánh giá tổng thể và sẽ có đợt cắt giảm các khoản phí rất lớn. |