Ông Út Hết (Nguyễn Văn Hết, ở ấp 1) hăm hở dẫn tôi ra cánh đồng ở ấp 1 xem bà con trồng lúa nước. Trên cánh đồng cả 100ha này, từng mảnh ruộng lúa hè – thu, lúa nước nằm chen nhau.
200ha và 1 vụ lúa
Ông Út Hết cho biết, nhà có gần 5ha đất trồng lúa thì hơn 1ha phải trồng lúa nước. Hỏi tại sao không làm giống lúa ngắn ngày mà phải làm lúa nước năng suất thấp, ông Út cười ái ngại: “Do ruộng thấp, lại không có bờ bao, hệ thống thủy lợi nên phải làm lúa nước”. Theo đó, hàng năm, cứ vào tháng 8 (âm lịch) là nước về ngập đồng nên những diện tích đất thấp ở những cánh đồng tại 2 ấp 1, 2 xã Bình Lợi chỉ trồng được lúa nước.
Ông Nguyễn Văn Hết (ấp 1, Bình Lợi) thăm ruộng lúa nước. Ảnh: T.Đ
Hiện chủ yếu giống lúa nước được trồng ở Bình Chánh là lúa thơm. Ông Út Hết tính toán, mỗi vụ lúa nước kéo dài hơn 4 tháng, công cấy là 350.000 đồng/công, công cắt 170.000 đồng/ngày… Năng suất lúa nước cao lắm cũng vào khoảng 20 giạ/công. Vị chi, 1 vụ lúa nước, trừ hết các chi phí, ND kiếm được 400.000 – 500.000 đồng/công/năm. Theo ông Út Hết, thu nhập làm 1ha lúa nước không bằng ông ôm cái máy phóng (máy tuốt lúa) đi làm thuê cho ND.
Để tăng thêm thu nhập, trong suốt vụ lúa nước, ND tận dụng bắt cá đồng tự nhiên hoặc thả cá đồng vào chân ruộng lúa để nuôi, khi thu hoạch lúa xong là lúc tát nước ruộng bắt cá kiếm thêm dăm ba triệu đồng.
Ruộng lúa nhà ông Phan Văn Lù (ấp 2) nằm ở vị trí đất thấp nên có khoảng 1ha ông phải làm lúa nước để “kiếm gạo ăn”. “Gia đình tôi làm lúa nước mấy chục năm nay, nhưng chưa giờ khá được”- ông nói. Theo ông Lù, sau khi thu hoạch lúa nước, cá đồng, ND cho đất nghỉ vì chẳng thể làm gì do lúc này… thiếu nước.
Hiện cả 2 ấp này có khoảng 200ha đất chỉ trồng được 1 vụ lúa/năm.
Dự án vẫn còn... trên giấy
Theo ông Huỳnh Văn Sơn - Trưởng ấp 1, từ năm 1993, Hội đồng nhân dân xã đã đưa vào nghị quyết việc triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi và đê bao cho 2 khu B (ấp 1, 2) và khu A (ấp 3, 4). Theo đó, kế hoạch này sẽ thực hiện theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. ND góp đất, nhà nước bỏ công. “ND khao khát kế hoạch này dữ lắm. Nghe chính quyền vận động là họ gật đầu liền cho dù chịu 70% chi phí. Nhưng không hiểu sao cho đến bây giờ tôi chẳng còn nghe ai nói gì về kế hoạch này nữa”- ông Sơn cho biết.
Ông Thái Thành Tâm – Chủ tịch Hội ND huyện Bình Chánh cho biết, dự án này đã đưa vào nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bình Chánh (nhiệm kỳ 2010 - 2015), nhưng do thiếu vốn nên đến nay huyện vẫn chưa thể triển khai. Trong khi đó, theo ông Trương Thái Học – Bí thư Đảng ủy xã Bình Lợi, hiện khu A đang triển khai hệ thống đê bao, thủy lợi và sắp tới sẽ thực hiện dự án này ở khu B.
Hiện để tăng vụ, chuyển sang làm lúa ngắn ngày, dứt bỏ lúa nước, một số ND ở Bình Lợi tự bỏ vốn làm hệ thống đê bao chống ngập nước, chống triều cường cho ruộng của mình. Những hộ nghèo, thiếu vốn thì vẫn phải bám lấy cây “lúa trời ơi” như bao đời nay.
Theo ông Huỳnh Văn Sơn, nếu cứ làm lúa nước thì hơn 370 hộ ND đang làm lúa ở ấp 1 chẳng biết khi nào khá lên.
Bình Lợi đã hoàn thành cơ bản Chương trình nông thôn mới, nhưng nếu không xây dựng hệ thống thủy lợi và đê bao cho khu B, nhiệm vụ nâng chất tiêu chí thu nhập cho người dân sắp tới sẽ rất khó khăn. Ông Huỳnh Văn Sơn cho biết đã từng đề nghị lãnh đạo thành phố nên bỏ quy hoạch đất Bình Lợi là đất dự trữ nông nghiệp để ND có cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp nhằm thoát nghèo. |