Tiền đóng BHYT học sinh - sinh viên được sử dụng như thế nào?. Đồ họa: Lê Huy- Anh Tú.
“Ngoài mức hoa hồng 4%, các nhà trường còn được trích thêm 7% tiền chi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV (trước đây theo quy định cũ là 12%) là quá cao”, vị chuyên gia nói.
Theo vị chuyên gia này, cơ quan BHXH trích 7% quỹ khám chữa bệnh BHYT để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho HSSV tại các trường học. Do đó, số HSSV tham gia BHYT càng đông thì nguồn quỹ để lại cho nhà trường dùng để CSSKBĐ tại trường càng lớn. Số tiền không nhỏ này được sử dụng cho các khoản như: mua thuốc, dụng cụ y tế thiết yếu phục vụ sơ cứu, xử lý ban đầu cho HSSV không may bị ốm đau, tai nạn tại trường học; tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho HSSV đầu năm học; mua tài liệu, dụng cụ phục vụ giảng dạy để tổ chức các bài học ngoại khóa về giáo dục sức khỏe; mua sắm các tài liệu, dụng cụ phục vụ cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thông về sức khỏe tại trường học, xử lý vệ sinh môi trường; phòng, chống các bệnh lây lan trong phạm vi nhà trường và trả phụ cấp cho cán bộ y tế nhà trường...
Theo đại diện Ban Thu (thuộc BHXH Việt Nam), để sử dụng nguồn kinh phí CSSKBĐ hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho các em HSSV, trước tiên Hiệu trưởng các trường phải công bố số tiền BHYT được trích lại. Từ đó, cán bộ y tế trường học phối hợp với kế toán lập dự toán chi với các nội dung: chi tiền lương, phụ cấp cho cán bộ y tế; chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ đầu năm học; chi mua thuốc thiết yếu, trang thiết bị - vật tư y tế; chi hỗ trợ các hoạt động tư vấn giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh; chi tập huấn chuyên môn y tế; chi chuyên chở HSSV bị bệnh, tai nạn đi cấp cứu...
PHHS các lớp học tại trường tiểu học Võ Trường Toản (Q.10, TPHCM) đều đã được thông báo và đóng BHYT theo mức 15 tháng và tăng 4,5% ngay từ trước khi khai giảng năm học 2015-2016. Ảnh: Quốc Ngọc.
Về mặt quản lý nhà nước, ngành Y tế, GD&ĐT, Tài chính cần phải có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể hơn về nội dung, hình thức, thủ tục, cách thức chi và quyết toán nguồn kinh phí CSSKBĐ đã cấp cho các trường học để khắc phục tình trạng thừa tiền mà HSSV lại không được chăm sóc sức khỏe.
Trong khi đó, một lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, về số tiền CSSKBĐ cho HSSV, ngành BHXH thường chuyển nguồn quỹ này cho các trường kịp thời. Ngoài ra, còn hướng dẫn nhà trường sử dụng quỹ, quyết toán với cơ quan BHXH theo quy định nhưng nhiều trường học còn lúng túng trong việc sử dụng, tiến độ giải ngân chậm, dẫn đến chậm quyết toán với cơ quan BHXH. “Thậm chí, các trường học chưa xác định được nguồn quỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu với các nguồn do ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện công tác y tế học đường”, một lãnh đạo BHXH Việt Nam nói.
Cũng theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, qua kiểm tra việc sử dụng nguồn kinh phí CSSKBĐ tại các trường học, tình trạng phòng y tế tại các trường phần lớn còn nghèo nàn, thiếu các trang thiết bị CSSKBĐ cho HSSV, trong khi tiền kết dư thì lên cả trăm triệu đồng. Thậm chí, tại nhiều trường học, Hiệu trưởng không thông báo số tiền được trích lại. Hầu hết viên chức làm công tác kế toán, y tế trường học còn lúng túng không biết các quy định về nội dung chi, mức chi, thủ tục thanh toán… theo quy định hiện hành.
Theo ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, trong năm học này, số HSSV tham gia BHYT khoảng 12 triệu người, tương đương số tiền thu khoảng hơn 6.000 tỷ đồng. Theo ông Khương, trong việc thu BHYT của HSSV, ngành Giáo dục cũng phải có trách nhiệm.
Được biết, tính đến 31/5/2015, số thu BHYT được 19.589 tỷ đồng, đạt 33,8% kế hoạch, tương đương Quỹ BHYT được sử dụng là 17.631 tỷ đồng. Quỹ BHYT đã chi trả khám chữa bệnh cho 50,1 triệu lượt bệnh nhân BHYT, trong đó, 54,3 triệu lượt người khám chữa bệnh ngoại trú; 4,8 triệu lượt người điều trị nội trú với tổng số tiền 17.734 tỷ đồng.