Dân Việt

Người say rượu bia được đưa về nhà miễn phí

Vinh Hải 09/09/2015 17:23 GMT+7
Sẽ có khoảng 20 - 30 nhà hàng và quán bia tại TP Hà Nội và TPHCM được hỗ trợ dịch vụ đưa khách say về nhà miễn phí bằng taxi.

Chiều nay (9.9), Ủy ban ATGT Quốc gia và Công ty TNHH Uber Việt Nam tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp thực hiện chiến dịch "đã uống rượu bia - không lái xe”.

img

Lễ ký kết Chương trình phối hợp thực hiện chiến dịch "đã uống rượu bia - không lái xe”.

Theo đó, chiến dịch "đã uống rượu bia - không lái xe" sẽ được triển khai thí điểm ở TP Hà Nội và TPHCM. Sẽ có khoảng 20 - 30 nhà hàng và quán bia tham gia chương trình được hỗ trợ để đưa khách say rượu, bia về nhà. Mỗi nhà hàng sẽ được cung cấp 2 – 3 tài khoản với tổng hạn mức 5 triệu đồng/tháng cho mỗi nhà hàng tham gia để đưa khách say về nhà miễn phí. Đồng thời, khách hàng cũng sẽ được cung cấp mã khuyến mãi miễn phí chuyến đi đầu tiên trị giá 200.000 đồng tại các quán tham gia chương trình.

Đồng thời, tại Hà Nội và TPHCM sẽ lắp đặt thiết bị cho phép đo lượng cồn trong máu của người thổi (UberSafe) tại các điểm đông dân cư qua lại, trung tâm tiêu thụ rượu bia nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng đồ uống có cồn.

Thiết bị này cũng sẽ hỗ trợ đi lại cho người có nồng độ cồn cao thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM. Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới, sau Canada, sẽ lắp đặt công nghệ UberSafe.

Đây là  thiết bị đo nồng độ cồn dạng ki-ốt có khả năng đo lường chính xác nồng độ cồn trong cơ thể người bằng cách yêu cầu thổi hơi qua ống hút rời, có khả năng tự phân hủy. Nếu nồng độ cồn vượt quá mức quy định, thiết bị sẽ tự động yêu cầu một xe miễn phí cho người dùng và đến đón tại vị trí ki-ốt để đưa hành khách về nhà an toàn.

Hiện nay, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng và là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10% - 30%; làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực, gây ước tính sai về khoảng cách dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông. Mỗi năm có trung bình 16 – 20% nguyên nhân số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra.

Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính vi phạm an toàn giao thông cũng đã đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi điều khiển xe có nồng độ cồn quá mức cho phép. Theo đó, đối với người đi ô tô tăng từ 7 - 8 triệu đồng tước giấy phép lái xe 2 tháng lên thành 8 - 12 triệu đồng, tước GPLX từ 4 - 6 tháng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80mg/100ml máu. Mức phạt cao nhất đối với người đi ô tô là tước GPLX 10 - 12 tháng phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng thay vì mức 10 - 15 triệu đồng, tước GPLX 2 tháng như trước đây. Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy cũng bị tăng mức phạt gấp đôi hiện nay. Cụ thể, nếu vi phạm ở mức 3 (mức cao nhất) sẽ bị phạt tiền 5 - 7 triệu đồng và bị tước GPLX 4 - 6 tháng.