Giấc mơ thành hiện thực
Ngay từ sáng sớm, hai mẹ con chị Đặng Thị Lý, thôn Hoàng La 2 đã tất tả đèo nhau lên Uỷ ban xã. Con chị, cháu Đặng Thanh Bình đang học lớp 4A Trường Tiểu học Ninh Lai hôm trước được thông báo được hỗ trợ xe đạp. Quá vui mừng, 4 giờ sáng, cậu học trò đã dậy và cứ nằng nặc đòi mẹ đèo lên trụ sở Uỷ ban xã để nhận. Gia đình chị Lý có mỗi sào ruộng, để cho người ta làm, Bình ở nhà với ông bà, còn 2 vợ chồng lên Hà Nội làm thuê để kiếm tiền. Nhà cách trường hơn 6km, từ lớp 1 tới nay, Bình toàn tự mình đi học.
Đại diện chương trình “Bánh xe yêu thương - Nâng bước tới trường” trao xe đạp cho các em học sinh xã Tân Thành, Hàm Yên, Tuyên Quang. (Ảnh: Lê San)
“Hai vợ chồng đi làm xa nhà vất vả cả năm trời chỉ dư ra chục triệu, chỉ đủ chi tiêu lặt vặt lúc tết về, chả có đồng nào để mua cho cháu cái xe đạp. Nhà xa thế nhưng cháu toàn phải mượn xe của con nhà cậu. Thế nhưng có những hôm thương con thắt cả lòng, khi nó gọi điện cho mẹ mếu máo: “Anh Tùng (con cậu) không cho con mượn xe”. Những lúc đấy, mình nghe mà rớt nước mắt, chỉ biết nén lòng động viên cháu. Nghe tin cháu được hỗ trợ xe đạp. Tôi đang làm ở Hà Nội cũng vội về đây để đi nhận xe cùng cháu” – chị Lý bộc bạch.
Không kém vui mừng là chị Huyên Văn Tư, ở thôn Hội Kế. Hoàn cảnh gia đình chị còn khó khăn hơn nhiều khi chồng chị ốm yếu, mất sức lao động, bố mẹ chồng mắc bệnh phổi, ốm đau quanh năm, mình chị là lao động chính trong nhà, nuôi thêm hai con ăn học. Nghĩ tới hoàn cảnh của mình, chị tủi thân: “Cả thôn bây giờ chắc chỉ có mỗi gia đình tôi là còn ở trong cái nhà trét bằng đất bùn. Nhà có hai đứa, một cháu đang học lớp 9, một đứa học lớp 6. Cả hai chị em có chiếc xe đạp mua từ năm 1995, mẹ dùng chạy chợ nhiều năm rồi, nay lại đưa cho chị em đi học, đen trùi đen trủi, hoen gỉ, kêu lọc cà lọc cọc. Buổi sáng chị đi, buổi chiều em đi”.
Con chị Tư, cô bé Lưu Thị Hồng, năm nay lên lớp 9, trông chững chạc hơn so với các bạn cùng tuổi. Biết hoàn cảnh khó khăn nhà mình, từ nhỏ em đã chịu thương, chịu khó, phụ giúp mẹ làm việc nhà, trông em, đi cắt cỏ, chăn trâu cho ông bà. Niềm vui của em là được đến trường hằng ngày. “Cái xe đạp đó cũ rồi nhưng là phương tiện để đến trường nên hai chị em đều rất nâng niu. Nhưng vẫn hay hỏng lắm, cứ mỗi lần thế mẹ lại đem đi sửa. Giờ có xe đạp mới rồi, chắc chắn sẽ ít hỏng hóc hơn, mẹ sẽ không còn phải vất vả, lo lắng phương tiện cho bọn em tới trường nữa” – Hồng chia sẻ.
Không còn cảnh đi sớm, về muộn
"Đối với học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, có 1 chiếc xe đạp làm phương tiện đến trường là cả một gia tài lớn đối với gia đình. Được tặng xe đạp, các em sẽ có động lực để học tập và chuyên cần đến lớp, chắc chắn sức học sẽ được nâng lên”. |
Con đường đến trường của em Lý Thị Xuân, ở thôn 4 Việt Thành, xã Tân Thành, Hàm Yên chỉ 3km nhưng là một trong những con đường khó đi nhất của xã. Có những đoạn ổ gà, ổ voi choán hết cả đường đi. Ngày ngày Xuân vẫn dậy sớm đi bộ gần 1 tiếng đến trường. “Sáng sớm, cháu dậy từ 5 giờ đi bộ gần một tiếng mới đến trường. Hơn một giờ chiều mới về được đến nhà. Nhiều hôm đói quá, trên đường đi phải nghỉ liên tục. Mùa hè còn đỡ, mùa đông rét lắm”- Xuân kể.
Hôm nay đến nhận xe đạp, em được cậu ruột đèo đi bằng xe máy. Từ lúc nhận xe đạp cho tới khi được dắt về, em hầu như chẳng rời chiếc xe lúc nào. Cậu của em, anh Trần Vĩnh Nghiêm bộc bạch: “Nhà cháu khó khăn, nhìn cháu đi học vất vả, tôi cũng thương lắm. Nhưng gia đình tôi chẳng khá hơn, chả giúp được gì. Nghe tin cháu được tặng xe tôi cũng mừng vui quá đỗi”.
Theo ông Lê Hữu Vận – Bí thư Đảng uỷ xã Tân Thành là một trong những xã đặc biệt khó khăn, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Trong nhiều năm, việc duy trì sĩ số lớp ở vùng cao là một khó khăn rất lớn, một trong những nguyên nhân mà học sinh bỏ học là việc đến trường quá khó khăn, nhà nghèo, phương tiện đi lại không có. “Chương trình hỗ trợ này thiết thực vì nó sát với quyền lợi của các em. Hỗ trợ tiền mặt cho các em cũng rất tốt, nhưng có những gia đình lại dùng số tiền đó chi vào việc khác. Còn với chiếc xe đạp, các em có thể sử dụng ngay vào năm học mới, cố gắng học tập tốt hơn. Để từ đó tạo hạt nhân cho đội ngũ cán bộ sau này, đóng góp xây dựng quê hương” – ông Vận cho hay.
Ông Đặng Quyết Toán (xã Tân Thành, Hàm Yên, Tuyên Quang) Không phụ lòng các nhà hảo tâm Tôi là ông ngoại của cháu Đặng Thị Thuý. Bố cháu mất sớm, mẹ cháu ốm đau bệnh tật quanh năm nên tôi đưa cháu đến nhận xe đạp. Cháu nó đi bộ đi học suốt, mãi năm ngoái mới được chú thím cho lại cái xe đạp cũ. Nhưng cứ vài bữa là tôi lại phải sửa lại vì cái xe hay hỏng lắm. Hai vợ chồng tôi già rồi nhưng phải cáng đáng làm lụng để nuôi hai mẹ con cháu, chỉ có thiếu trước hụt sau chứ làm gì để ra được đồng nào mà mua xe đạp cho cháu. Cháu nó được hỗ trợ xe đạp, tôi phấn khởi lắm. Hi vọng món quà sẽ tiếp thêm động lực để cháu phấn đấu học tập, giúp cho mình và gia đình, không phụ lòng mong mỏi của những người đã hảo tâm giúp đỡ. Ông Trương Viết Hùng – Bí thư Đảng uỷ xã Ninh Lai, Sơn Dương, Tuyên Quang Ý nghĩa to lớn Những món quà về mặt giá trị không lớn, nhưng những tình cảm, trách nhiệm của các tấm lòng hảo tâm còn vượt lên trên giá trị vật chất của nó. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo ban các em, cố gắng phấn đấu học tập tốt, giữ gìn, sử dụng nhưng chiếc xe thật tốt để đưa chính bản thân mình và gia đình vượt lên khó khăn. Ông Hoàng Văn Hảo - Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang Thêm động lực cho trẻ nghèo So với học sinh dưới xuôi, học sinh miền núi thiệt thòi hơn rất nhiều lần. Và cũng rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Chương trình “Bánh xe yêu thương – Nâng bước tới trường” là một chương trình thiết thực, có ý nghĩa xã hội to lớn, giúp các em học sinh có thêm động lực để phấn đấu học tập tốt. Qua đó giáo dục truyền thống “tương thân tương ái” quý báu của dân tộc ta đến thế hệ trẻ. Rất mong rằng sẽ có thêm nhiều hoạt động cộng đồng như vậy để giúp cho các em ở miền núi tiến kịp miền xuôi. Nguyễn Lê (ghi) |