“Tranh nhau” hiến thận cho anh
Ở gia đình ấy, chưa bao giờ người ta nghe thấy các anh em trai to tiếng với nhau. Người này sẵn sàng từ bỏ ước mơ của mình để “nhường lối” đi cho người kia. Thậm chí họ còn hi sinh một phần thân thể của mình, sẵn sàng đón nhận những hiểm nguy để người kia được sống.
Dù họ không có “nhà cao cửa rộng”, nhưng thứ họ có chắc chắn sẽ khiến nhiều người phải ghen tị.
Gia đình nói trên ở thôn Long Châu Miếu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Hai anh em trong gia đình này chính là hai nhân vật trong ca ghép thận thành công thứ hai của bệnh viện Xanh-Pôn hồi tháng 3/2014.
Lúc chúng tôi đến, anh Nguyễn Văn Quân (SN 1982) – người được em trai mình cho thận đang bận rộn với công việc sửa chữa máy tính cho khách hàng. Hai anh em trai họ hiện có chung một cửa hàng sửa chữa và buôn bán linh kiện máy tính khá khang trang tại nhà.
Anh Thuần (trái) và anh Quân bên cửa hàng bán và sửa chữa máy tính của chung hai anh em
Tuy dáng người nhỏ nhắn, nhưng không ai nghĩ rằng, cách đây hơn 1 năm anh Quân phải đấu tranh từng ngày với tử thần để giành lại sự sống.
Kể lại những tháng ngày phải đối mặt với nỗi ám ảnh mỗi lần lọc máu, anh Quân nói, đó là những tháng ngày đầy “giông tố” trong gia đình.
Anh Quân có tiền sử bị viêm cầu thận mạn tính năm 15 tuổi. Đến giữa năm 2013, anh bắt đầu cảm thấy sức khỏe có dấu hiệu suy sụp. Sau đó, anh nhập viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) điều trị. Tại đây, các bác sĩ cho biết anh bị suy thận độ 3, cần được ghép thận gấp nếu không sẽ khó qua khỏi.
“Gia đình tôi khi đó giống như có một tảng đá lớn đè nặng lên lưng. Bố mẹ buồn rầu, hai đứa em trai thì cố gắng làm việc nhiều hơn để lấy tiền điều trị cho tôi. Chúng còn bàn nhau, định bán ít đất đã được chia để cho tôi chạy chữa”, anh Quân kể.
Anh bảo, giá như anh không bị bệnh thì bố mẹ và những đứa em của anh có lẽ đã sung sướng hơn rất nhiều. Bởi cứ làm được bao nhiêu tiền, cả gia đình lại ki cóp để anh chạy thận, duy trì sự sống.
“Tội mấy đứa em, bởi chúng cũng có con cái, có gia đình riêng. Giờ lại phải gánh thêm một người anh mang bệnh hiểm nghèo…Giá như mình chẳng có gì vướng bận cứ thế ra đi, có lẽ cả nhà chẳng ai phải khổ”, anh Quân nói.
Sau một thời gian chạy thận, anh Quân được các bác sĩ phân tích về khả năng sống lâu hơn nếu được ghép thận. Cả nhà anh Quân ngay sau đó đã họp bàn gia đình. Trong buổi họp ấy, ai cũng sốt sắng tranh hiến thận cho anh. Thậm chí, các nàng dâu cũng muốn được xét nghiệm nếu các anh em trai trong gia đình không ai phù hợp.
Thấy các con đồng lòng, bố mẹ anh đã không cầm được nước mắt. Ông bà ôm nhau khóc. Khóc vì thương các con và vì quá hạnh phúc.
“Người ta cứ nói “tam nam bất phú…”, ừ thì chúng tôi nghèo, chúng tôi đói. Nhưng có những đứa con như vậy, chúng tôi chẳng cần gì thêm nữa”, bà Sức – mẹ anh Quân xúc động nói.
Đến ngày đi làm xét nghiệm. Ai cũng hồi hộp và cầu mong mình sẽ là “người may mắn” mang lại sự sống cho anh.
Bố mẹ anh Quân vì tuổi cao, sức yếu nên các bác sĩ từ chối xét nghiệm. Đến lượt anh Nguyễn Văn Thuần, các bác sĩ vui mừng thông báo chỉ số giữa hai anh hoàn toàn phù hợp và có thể hiến thận cho nhau.
Dù rất vui nhưng anh Quân lại bộn bề suy nghĩ. Anh lo ca phẫu thuật không thành công. Rồi những biến chứng có thể xảy ra với em mình…
Anh nói với cả nhà, anh sẽ không làm phẫu thuật. Và chỉ duy trì sự sống còn lại bằng cách chạy thận qua ngày.
Giấy khen Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng anh Thuần
Nghe anh trai cả nói vậy, không khí cả nhà lại trùng xuống. Chỉ đến khi anh Thuần nói câu: “Dù thế nào, anh em phải sống chết phải có nhau. Nếu em là người bị suy thận, anh có hiến thận cho em không?”, anh Quân mới chịu đón nhận một phần thân thể của em mình.
“Hiến thận, có gì đáng nói đâu…”
Vui mừng hơn khi hồ sơ của hai anh em gửi đến Bệnh viện Xanh-Pôn đúng vào lúc đơn vị này đang tiến hành ghép thận miễn phí. Ca phẫu thuật thành công khiến gia đình nghèo như được “hồi sinh”.
Đang dở câu chuyện, anh Thuần (SN 1985) – người hiến thận cho anh Quân vừa đi sửa máy tính cho khách hàng về. Anh Thuần bình thản nói về quyết định của mình: “Chuyện đó bình thường ấy mà, có gì đáng nói đâu. Người ta còn sẵn sàng hiến thận cho người lạ. Huống hồ đây lại là anh ruột của mình”.
Anh Quân ngồi kể lại những “giống tố” trong gia đình mình
Nói nhỏ với tôi, anh Thuần bảo, ngày xưa, anh Quân học giỏi nhất nhì ở huyện. Nếu thi đại học anh ấy chắc chắn sẽ đỗ. Nhưng vì nghĩ cho bố mẹ, nghĩ đến các em, anh quyết định không thi. Bởi gia đình anh quá nghèo, đông anh em, nếu một người đi học đại học, những người sau chắc chắn sẽ phải ở nhà.
“Dù bố mẹ khuyên bảo thế nào, anh ấy cũng quyết không thi tiếp. Anh ấy ở nhà để chúng tôi được học cao hơn, để chúng tôi theo đuổi những giấc mơ cho mình. Rồi đến chia đất, anh ấy cũng nhường hết phần đất đẹp cho các em”, anh Thuần xúc động kể.
Anh Thuần nói, hiến thận cho anh trai là quyết định đúng đắn nhất mà từ trước tới nay anh từng làm. Bởi sau đó, cả gia đình anh như được hồi sinh. Bố mẹ, các cháu vui vẻ, hạnh phúc, không khí gia đình lúc nào cũng ấm cúng...
Với anh Thuần, hiến thận cho anh là quyết định đúng đắn nhất mà từ trước tới nay anh từng làm.
Hiện sức khỏe của anh vẫn rất tốt. “Đời sống” vợ chồng – theo như anh nói còn nhiều thú vị hơn trước. Bởi anh được bố mẹ, anh chị, đặc biệt vợ mình thương và chăm sóc nhiều hơn.
“Nhiều người hỏi tôi có hối hận về quyết định đó không. Tôi bảo, tôi chỉ tiếc rằng, giá như tôi hiến thận cho anh ấy sớm hơn. Nếu được phẫu thuật sớm, anh ấy sẽ nhanh hồi phục hơn. Gia đình tôi cũng không có những tháng ngày u ám, bố mẹ tôi không phải phải buồn phiền nhiều…”, anh Thuần nói.
Hỏi chuyện một người đàn ông trung niên ở đầu thôn Long Châu Miếu về gia đình nói trên, người đàn ông này nói : “Gia đình đó có phúc đấy. Con trai ngoan ngoãn, con dâu tốt nết. Tôi không có được cái phúc như ông bà ấy.” |