Dân Việt

Hàng nghìn người phải từ giã cõi đời vì mòn mỏi chờ nguồn tạng

Diệu Thu 10/09/2015 18:44 GMT+7
“Hiện danh sách chờ được ghép tạng rất dài và nhiều người phải từ giã cõi đời bởi không thể chờ đợi nguồn tạng. Đây là điều khiến chúng tôi cảm thấy tiếc nuối vô cùng”, GS.TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức - chia sẻ.

Hàng trăm nghìn người đang chờ ghép tạng

Sau khi Bệnh viện Việt Đức công bố thành công ca ghép tim, gan từ một người cho chết não, phóng viên có dịp nghe các bác sĩ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ: Nhiều bệnh nhân phải chết trong thời gian chờ ghép, trong khi nguồn mô, tạng từ hàng chục ngàn ca chết não, chết ngưng tim vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác không được sử dụng.

img

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức chạy đua từng phút ghép tạng, cứu sống bệnh nhân.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - cho biết, mỗi ngày Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có từ 2-3 bệnh nhân chết não. Một năm hơn 11 nghìn người tử vong do tai nạn giao thông có thể hiến tạng. Tuy nhiên, 5 năm qua, bệnh viện chỉ có 25 người hiến tạng do chết não.

Ông Sơn cho rằng đây là điều đáng tiếc, khi bệnh viện có đủ khả năng để cứu chữa người bệnh. Người bệnh vẫn còn cơ hội sống, nhưng bác sĩ phải “bó tay” bởi không có nguồn tạng ghép.

GS Sơn - người trực tiếp tham gia ca ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa qua - cho hay: Khi chết não, các cơ quan trong cơ thể sẽ nhanh chóng hoại tử, chết theo. Điều này đồng nghĩa với việc không thể kéo dài sự tồn tại của người bệnh như sống thực vật như mọi người từng nghĩ. Trong khi đó, sống thực vật là não chưa chết, bệnh nhân hôn mê sâu, không giao tiếp được. Bệnh nhân có thể sống lâu, thậm chí tới hàng chục năm.

“Khi đã chết não, sớm muộn, các bộ phận tạng cũng sẽ bị phân hủy thì tại sao không hiến tạng cho những người đang cần. Một người chết não có thể cho tim, gan, thận… cứu sống nhiều người một lúc”, GS Sơn nhắn nhủ.

Do đó, vị Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người mong người dân có cái nhìn đúng về việc hiến tạng. Những gia đình không may có người bị chết não hãy hiến tạng để cứu sống nhiều người khác.

“Từ trước đến nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa có trường hợp nào đã chết não mà sống lại được. Vậy tại sao gia đình không hiến tim, gan, phổi, thận của người chết não để các bác sĩ ghép cho các bệnh nhân khác? Một lá gan có thể ghép cho 2 đến 3 cháu bé…”, GS Sơn giãi bày.

Vẫn còn trở ngại

GS.TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức - cho biết, những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim hiến tặng thời gian qua đem lại lợi ích và ý nghĩa. Tuy nhiên, công việc này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người chưa sẵn sàng.

img

Một bệnh nhân được ghép tạng đã khỏe lại.

Theo ông, tại Việt Nam, quy trình khám nghiệm lâm sàng đánh giá chết não trải qua nhiều khâu. Pháp luật quy định phải điện não đồ, chụp mạch não nhiều lần rồi mới có thể đưa ra kết luận. Còn ở Mỹ, có những nơi không cần khám nghiệm cận lâm sàng vẫn có thể chẩn đoán dựa trên đánh giá về mức độ hôn mê sâu, mất vận động, mất phản xạ…

Hiện nay, có nhiều người chưa chết não đã cho về để lo hậu sự, hoặc có những người chết não vẫn giữ lại do người nhà chưa hiểu. Điều này gây chậm trễ cho việc ghép tạng nếu người mất có yêu cầu hiến.

GS Quyết đánh giá, trình độ các bác sĩ Việt Nam hiện ngang bằng với thế giới. Bệnh nhân sau khi ghép tim tại Việt Nam kéo dài cuộc sống lâu nhất là 4 năm và ghép gan là 8 năm.

“Hiện danh sách chờ được ghép tạng đã rất dài và nhiều trường hợp bệnh nhân đã phải từ giã cõi đời bởi không thể chờ đợi được nguồn tạng. Đây là điều khiến chúng tôi cảm thấy tiếc nuối vô cùng”, bác sĩ Quyết nói.

Giám đốc Trung tâm Ghép tạng kể: “Cách đây 4 năm, ở Hà Nội, một người anh trong gia đình không may bị tai nạn giao thông chết não. Trong khi vợ con và cả gia đình của người anh này đều đồng ý cho thận để cứu một người bị suy thận giai đoạn cuối thì có một người em ruột không đồng ý. Vậy là ca ghép thận không được diễn ra, người anh kia mất và người em suy thận phải sống những ngày tháng cuối đời với căn bệnh hành hạ”.

GS Quyết cũng nhấn mạnh, quy định của pháp luật còn phần nào gây trở ngại trong việc cho, hiến tạng. Trên thế giới, việc cho tạng khi chẳng may bị tai nạn giao thông hoặc chết não là điều tất nhiên. Cụ thể: Khi công dân tới 18 tuổi, mỗi người đều có thể đăng ký hiến tạng. Nếu chẳng may bị chết não thì nguồn tạng của họ sẽ trở thành nguồn sống cho nhiều bệnh nhân đang chờ hiến. Số người không tình nguyện làm thẻ hiến tạng, số người phản đối việc này rất ít.

Còn tại Việt Nam, ngay cả khi một người 18 tuổi trở lên đã đăng ký sẽ hiến tạng nếu chẳng may bị chết não, cả gia đình đồng ý nhưng chỉ cần 1 người không đồng ý thì pháp luật Việt Nam cũng không cho phép được lấy tạng của người hiến.

Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đặt tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.

Trung tâm thực hiện việc điều phối về hiến, lấy và ghép mô, bộ phận cơ thể người giữa các ngân hàng mô và các cơ sở y tế trong phạm vi cả nước. Trung tâm là cầu nối giữa người có nhu cầu với người có khả năng tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể người có chỉ số phù hợp sinh học. Tại đây có ngân hàng bảo quản tạng và tiếp nhận các đăng ký hiến tạng từ người hiến tình nguyện.