Dân Việt

Tránh tình trạng bộ, ngành “đẻ” thêm phí

Thanh Xuân 11/09/2015 14:57 GMT+7
Tại Hội thảo “Một số vấn đề trong dự thảo Luật Phí và lệ phí” do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 10.9, nhóm tác giả PGS-TS Lê Xuân Trường và PGS-TS Vũ Sỹ Cường đã công bố kết quả phân tích tác động một số vấn đề chính sách trong dự thảo Luật Phí và lệ phí so với Pháp lệnh phí và lệ phí.

Theo đó, dự thảo luật lần này có 6 điểm mới, trong đó điểm đáng lưu ý là Quốc hội quyết định nguyên tắc xác định mức thu và không giao Chính phủ quy định chi tiết nguyên tắc xác định mức thu như trước đây. Chính phủ được giao thẩm quyền quy định chi tiết mức thu trên cơ sở nguyên tắc mà luật quy định, tránh tình trạng các bộ, ngành, địa phương “đẻ” thêm các khoản phí, lệ phí mới.

img

Ảnh minh họa

Mặt khác, quy định về danh mục phí và lệ phí cũng là điểm mới nổi bật nhất của dự thảo luật lần này. Xét về số lượng, dự thảo đề xuất giảm 22 khoản phí và 3 khoản lệ phí, sự thay đổi này hướng tới thúc đẩy xã hội hoá trong cung cấp dịch vụ, giảm bao cấp của Nhà nước. 

PGS-TS Lê Xuân Trường cho rằng: “Về cơ bản, dự thảo luật lần này sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ và toàn diện để điều chỉnh các mối quan hệ về thu ngân sách trong cung cấp và sử dụng dịch vụ công; khắc phục triệt để tình trạng tuỳ tiện, tự phát trong tổ chức thu phí, lệ phí; đảm bảo lợi ích chính đáng của công dân; mở rộng dân chủ, công khai và công bằng trong thu phí, lệ phí…”. Ông Trường cũng cho rằng, ngoài những tích cực trên, điểm hạn chế là theo quy định về giá hiện hành có tính tới cả giá đầu vào, nếu cộng cả giá cơ sở đầu vào để tính giá dịch vụ thì giá dịch vụ mới của lĩnh vực giáo dục, y tế… sẽ rất khác. Nếu không có lộ trình và kiểm soát tốt, giá dịch vụ y tế, giá học phí sẽ tăng tới mức “đánh bật” người nghèo ra khỏi những quyền lợi được hưởng này.

"Nếu không kiểm soát và thống kê được các khoản thu, tình trạng phát sinh nhiều khoản thu chồng chéo sẽ vẫn tồn tại, tình trạng phí dịch vụ mới sẽ tăng cao tới mức “loại” người nghèo ra khỏi danh sách được hưởng thụ”.
PGS-TS Vũ Sỹ Cường

Đồng quan điểm trên, PGS-TS Vũ Sỹ Cường lý giải nguyên nhân “đẻ ra nhiều khoản thu” đang tồn tại như hiện nay như “một con gà cõng 14 khoản phí… do Pháp lệnh hiện hành không tính tới sự phát sinh các khoản phí, lệ phí. Đa số các khoản phát sinh do chính quyền địa phương, một số đơn vị sự nghiệp công lập ban hành, liên quan tới quyền và nghĩa vụ của người nộp phí và lệ phí.

Trả lời câu hỏi của PV Báo NTNN về thực trạng ngành nông nghiệp vẫn còn hơn 700 khoản phí, lệ phí, trong đó riêng lĩnh vực thú y đã có tới 18 lệ phí, 550 khoản phí, PGS-TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, Chính phủ vẫn đang chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương rà soát các khoản phí, lệ phí có liên quan.

“Tôi chưa biết con số thống kê này. Nhưng nếu là có con số lên tới 500 khoản phí trong ngành thú y thì đúng là quá sức tưởng tượng.  Chỉ riêng lĩnh vực thú y thôi không cần nhiều như thế. Đó là điều quá vô lý”- ông Cường nói.