Dân Việt

Bệnh viện “sạch” thuốc lá

Diệu Linh 11/09/2015 06:54 GMT+7
Không chỉ treo biển “Cấm hút thuốc lá” ở nhiều nơi, các bác sĩ, nhân viên tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đều không nề hà việc nhắc nhở người nhà bệnh nhân nếu như họ “ló” ra điếu thuốc.

Hút thuốc - mời ra ngoài

Ngay khi vào cổng Bệnh viện Việt Đức (cổng đường Tràng Thi), mọi người đã có thể bắt gặp tấm biển rất lớn “Cấm hút thuốc lá” màu đỏ, treo ngay ngắn. Những tấm biển “Cấm hút thuốc lá” nhỏ hơn được treo ở rất nhiều nơi khác. Từ gốc cây nơi có nhiều người nhà bệnh nhân ngồi chờ đợi đến phòng khám, phòng bệnh, góc cầu thang đều có. Thậm chí còn có biển nhấn mạnh dòng chữ “Ai hút thuốc mời ra ngoài bệnh viện”. Nhiều lần đến làm việc tại Bệnh viện Việt Đức, PV Báo NTNN ghi nhận rất hiếm khi bắt gặp 1 người nhà bệnh nhân hút thuốc. Hoặc nếu họ vừa đưa điếu thuốc lên môi là lập tức có nhân viên y tế, bảo vệ kịp thời đến nhắc nhở. Khắp các gốc cây, cầu thang đều không có các mẩu thuốc lá vương vãi.

img

Biển “Cấm hút thuốc lá” trong Bệnh viện Việt Đức được treo khắp nơi. Ảnh:    D.L

Anh Nguyễn Văn Tuyên (Hà Nam) cho biết, anh đưa em trai bị tai nạn phải điều trị trong Bệnh viện Việt Đức. Anh vốn nghiện thuốc lá, mỗi ngày trừ thời gian ngủ còn hầu như lúc nào trên tay cũng cầm điếu thuốc. Những ngón tay của anh đen kịt khói thuốc. Tuy nhiên, suốt 2 tuần trông em trong bệnh viện, anh hạn chế hút thuốc tới tối đa. “Cứ ngồi ngáp ruồi chờ ở gốc cây ngoài sân bệnh viện, tôi thực sự buồn bực, thèm thuốc. Nhưng có hai lần len lén móc điếu thuốc khỏi túi, định đưa thuốc lên môi hút lập tức có người tới nhắc. Lúc thì bảo vệ, lúc lại là một cô áo trắng không biết y tá hay bác sĩ. Cũng có lúc là người nhà bệnh nhân ngồi gần, chỉ biển “Cấm hút thuốc lá” rồi “giác ngộ” tư tưởng cho mình. Nể quá mà không dám hút” – anh Tuyên cười. Anh cho biết, nghiện thuốc nặng thế mà hai tuần ở viện, anh chỉ dám tranh thủ lúc ra ngoài ăn cơm, hút 1-2 điếu. Mấy ngày đầu khổ sở vì thèm thuốc, nhưng sau cũng quen dần. “Sau khi em trai khỏi bệnh có khi tôi bỏ được thuốc cũng nên” – anh Tuyên gật gù.

Đang giờ “cao điểm” nhiều ca cấp cứu, các sảnh chờ đông nghịt người nhưng chị Trần Thu Linh (Hà Nội) cũng thấy dễ thở vì không có mùi khói bụi, thuốc lá. Chị Linh cho biết, chị ở Hà Nội nên thường phải đưa người nhà từ quê lên đi khám bệnh, cũng hay “la cà” ở các bệnh viện nhưng vào Việt Đức thấy dễ thở hơn nhiều nơi khác vì có cây xanh và không có khói thuốc lá. “Một số bệnh viện tôi vào, thấy người ta đứng dưới biển “Cấm hút thuốc lá” nhả khói mù mịt,  nhưng cũng không có người nhắc nhở. Thậm chí cả phòng khám hô hấp, phòng tim mạch – các bệnh “kị” khói thuốc, người ta vẫn hút thuốc bình thường” – chị Linh tâm sự.

Để có được một không gian không khói thuốc, Bệnh viện Việt Đức đã quán triệt tư tưởng từ Ban giám đốc đến từng cán bộ nhân viên. Hình ảnh quen thuộc mà nhiều người bắt gặp là PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết (nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, hiện là chuyên gia ghép gan) thường nghiêm khắc nhắc nhở những người hút thuốc trong bệnh. Đồng thời ông cũng nhắc nhở nhân viên, bảo vệ phải “tinh mắt” để phát hiện và nhắc nhở nếu có người vi phạm.

“Treo biển cấm chẳng ăn thua, phải có người thường xuyên giám sát, nhắc nhở mới được” – ông tâm sự. Ông cũng không nề hà mình là lãnh đạo bệnh viện mà phải quản việc nhỏ như vậy. Trên đường “vi hành” khắp bệnh viện, ông liên tục nhắc nhở cán bộ, người nhà bệnh nhân thực hiện tốt quy định “cấm hút thuốc”. Có lẽ cũng ngấm tinh thần của ông nên các bác sĩ, y tá, nhân viên vệ sinh, bảo vệ đều nhiệt tình nhắc nhở khi thấy những người vi phạm nội quy.

Nhân viên y tế phải nêu gương

" Muốn nhắc nhở bệnh nhân và người nhà không hút thuốc lá thì chính các bác sĩ, nhân viên y tế phải nêu gương. Do đó, mọi cán bộ y tế của Bệnh viện Việt Đức đều cam kết không hút thuốc lá trong bệnh viện”.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức

Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, từ nhiều năm nay, bệnh viện rất chú trọng công tác xây dựng và triển khai nội quy không hút thuốc lá trong bệnh viện, đồng thời tăng cường giáo dục tuyên truyền, thường xuyên giám sát kiểm tra giám sát thực hiện quy định.

“Muốn nhắc nhở bệnh nhân và người nhà không hút thuốc lá thì chính các bác sĩ, nhân viên y tế phải nêu gương. Do đó, mọi cán bộ y tế của Bệnh viện Việt Đức đều cam kết không hút thuốc lá trong bệnh viện. Bệnh viện cũng treo rất nhiều tấm biển “Cấm hút thuốc lá” lớn, màu đỏ để người dân dễ thấy, dễ đọc. Không chỉ treo biển cấm tại nơi tập trung đông người bệnh và người nhà mà cả những nơi khuất nẻo như cầu thang, góc sân cũng treo, đề phòng người dân quên” – bà Hường cho biết.

Theo bà Hường, do thiếu ý thức, do lên cơn nghiện, do chờ đợi lâu trong bệnh viện nên buồn chán, mệt mỏi nên cũng không ít người nhà bệnh nhân vẫn lén lút hút thuốc. Lúc đó lại cần có sự giám sát của cán bộ y tế, lực lượng bảo vệ.

Bệnh viện cũng đã yêu cầu mỗi cán bộ y tế đều phải có trách nhiệm nhắc nhở người nhà bệnh nhân không vi phạm quy định “cấm hút thuốc”, nếu gặp người vi phạm phải nghiêm khắc nhắc nhở, không né tránh, không ngại việc. Nếu khoa phòng nào để xảy ra tình trạng có người hút thuốc lá mà không nhắc nhở, ngăn chặn sẽ bị chịu sự kỷ luật, xử phạt của Ban giám đốc bệnh viện.

Anh Đông - bảo vệ bệnh viện cho biết, anh nhiều lần phải nhắc nhở người hút thuốc trong bệnh viện và coi đây là trách nhiệm hàng ngày của mình.

“Nhiều người thiếu ý thức lắm, đứng dưới biển cấm hút thuốc mà vẫn “đốt” được. Mà họ cũng sợ bọn tôi hơn là những nhân viên y tế mặc áo xanh, áo trắng. Nhiều khi các chị nhắc nhở còn bị cự nự lại. Nhưng nói nhiều lần, nhiều người cùng nói thì khắc họ phải nghe theo. Ngay cả anh em bảo vệ cũng tự giác giảm hút, bỏ hút thuốc lá” - anh này cho biết.

Ông Nguyễn Đức Tâm - Trưởng phòng Hành chính quản trị (Bệnh viện Việt Đức) cũng chia sẻ, để chủ trương cấm hút thuốc lá trong bệnh viện được thực hiện nền nếp, tuân thủ nghiêm ngặt, bệnh viện còn đề ra quy định: Nếu khoa phòng nào có đầu mẩu thuốc lá thì khoa phòng đó sẽ bị phạt 10 triệu đồng, tiền phạt trích từ quỹ thưởng. Còn trong ca trực mà để bệnh nhân và người nhà hút thuốc thì ca trực đó sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng. 

  Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013 đến nay đã hơn 2 năm và Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 176 quy định xử phạt hút thuốc lá ở những nơi công cộng như: Bệnh viện, trường học... Công đoàn y tế Việt Nam cũng đã tổ chức ký cam kết xây dựng nơi làm việc không khói thuốc lá tại các cơ sở khám chữa bệnh từ tháng 8.2015. Tuy nhiên, còn nhiều các bệnh viện đông bệnh nhân, lực lượng cán bộ y tế mỏng nên việc giám sát người dân đến viện tuân thủ nghiêm ngặt quy định “không hút thuốc” rất khó khăn.