Dân Việt

30.000 tấn cá tra mắc kẹt, dân có nguy cơ phá sản

27/06/2011 11:41 GMT+7
(Dân Việt) - “Giải phóng” cho lượng cá này khỏi ao bằng cách nào là vấn đề mà cơ quan chức năng cũng đang đau đầu tính toán. Trong khi đó, nhiều người nuôi đã nghĩ tới cảnh phá sản...

Làm khổ nhau

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang bất ổn là do xuất phát từ cả người nuôi cá và doanh nghiệp. Lúc giá cá tăng thì nhiều người nuôi “găm” cá để chờ giá tăng thêm và hậu quả là cá càng neo trong ao càng lớn thế là bị doanh nghiệp lật kèo với lý do cá lớn trên 1kg không mua để chế biến được. Hậu quả là ngay lúc này loại cá trên 1kg/con đang ách tắc đầu ra, bán giá 23.000 đồng/kg không ai mua, trái lại cá loại nhỏ hơn 1 kg doanh nghiệp vẫn mua trên 25.000 đồng/kg.

img
Hiện nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra đã lập ao nuôi và chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Ông Trương Văn Thể - người nuôi cá ở cù lao Tân Lộc, ấp Trường Thọ, xã Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ buồn bã: Cũng tại lòng tham của nhiều người nuôi cá tra nên bây giờ mới gánh hậu quả cá vượt size nên doanh nghiệp không mua, mặc dù Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản có đẩy giá xuất khẩu tăng thêm.

Những trường hợp cá trên 1kg/con kêu bán mà không người mua nào thèm ngỏ lời xem kiểu này thì cá vẫn sẽ chết dí tại ao. Khi đó, sẽ không ít người nuôi cá tiếp tục bể nợ và lần sẽ có nhiều nông dân ra tòa vì không có đủ tiền trả nợ tiền mua thức ăn, nợ vay ngân hàng. Ông Thể nói thêm: “Khi ông tòa xét xử xong thì cũng sẽ khó thi hành án vì người nuôi cá đã hết tài sản. Bây giờ kêu ai can thiệp, ai cứu?”.

Ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang nói với NTNN ngày 26.6: Đúng là cá ế và giá cá nguyên liệu giảm mạnh là cũng xuất phát từ người nuôi. Cá càng neo càng lớn và cùng thời điểm này thì vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp đang bước vào thu hoạch. Thế là hậu quả cá của nông dân vượt kích cỡ cho phép để chế biến, doanh nghiệp không thu mua. Họ chỉ mua cá nhỏ hơn 1kg/con với giá khoảng 25.000 đồng/kg. Với cách làm của nông dân thì làm sao ai nhảy vào can thiệp cứu được.

Nông dân nợ ngân hàng “đầm đìa”

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Phấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy hải sản Hiệp Thanh, (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) cứ nhắc đi nhắc lại rằng: Trước sự “đỏng đảnh” về mua - bán cá nguyên liệu của nông dân, các doanh nghiệp cũng đã dần dần tiến đến việc chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến của mình là hình thành các ao nuôi. Vì thế, lúc giá cá lên đến đỉnh điểm gần đây (29.000 đồng/kg) và nông dân “găm” cá, còn doanh nghiệp càng xuất thì càng lỗ hoặc chỉ hòa vốn thì họ hạn chế sản xuất và xuất khẩu.

Ở Đồng Tháp, con số nợ vay nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là cá tra) cũng đã gần 1.370 tỷ và Ngân hàng Nhà nước tỉnh này cũng dự trù kế hoạch cho những người nuôi cá đã đến hạn chưa bán được nếu đưa ra được lý do chính đáng cho các ngân hàng thì sẽ được giãn nợ và không phạt lãi.

Đến lúc này, ao nuôi của doanh nghiệp đã đến kỳ thu hoạch và cho thu hoạch với sản lượng ổn định nên không quá phụ thuộc vào nguồn cá nguyên liệu từ bên ngoài nên giá mua phải điều chỉnh lại. Với cá quá size theo nhu cầu của người dân các nước nhập khẩu sản phẩm cá tra Việt Nam thì doanh nghiệp không thể mua về để chế biến...

Thống kê chưa đầy đủ của Ngân hàng NNPTNT An Giang, tổng dư nợ của nông dân nuôi cá tra đã trên 1.000 tỷ đồng, và hiện tại lãi suất ngân hàng đang cho nông dân vay là 21%/năm. Rõ ràng, khi cá không bán được và đang phải ngày ngày trả lãi cho ngân hàng, nhiều nông dân đang ôm số nợ không nhỏ, có nguy cơ sạt nghiệp, treo ao...

Nắm bắt được tình hình cá ế trong ao hiện nay, ông Nguyễn Tấn Phước - Phó Giám đốc Ngân hàng NNPTNT An Giang cho hay, ngân hàng cũng đã có kế hoạch dự liệu, đối với những hộ nuôi cá đến hạn trả tiền ngân hàng, nếu chưa bán được cá thì ngân hàng sẽ cho gia hạn thêm 1 - 2 tháng và không tính phạt lãi.