Tỉnh Đồng Nai có hơn 2.000ha đất lâm nghiệp đang trong tình trạng tranh chấp giữa các đơn vị sử dụng đất và người dân. Còn tỉnh Tây Ninh đã thu hồi gần 4.000ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích trong 5 năm qua. Để dẫn đến tình trạng này, chủ yếu do các lâm trường cho dân mượn đất canh tác; dân sinh sống, sử dụng đất trước khi thành lập lâm trường…
Kéo dài liên miên
Ban chỉ đạo giải quyết đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh hiện có 4.117ha đất lâm trường bị bao lấn chiếm. Hiện các huyện: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và Dương Minh Châu... vẫn còn nhiều trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cấp trùng tên trên đất lâm nghiệp. Việc thu hồi đang gặp khó khăn, vì người được cấp giấy đòi phải bồi thường cây trồng trên đất. Một số trường hợp chỉ thu hồi được giấy, chưa thu hồi được đất để trồng rừng.
Khu tái định cư cho những hộ dân lấn chiếm rừng ở ấp Phước An (Phước Ninh, Dương Minh Châu, Tây Ninh). Ảnh: T.T
Trong khi đó, tại Đồng Nai đất lâm nghiệp bị tranh chấp nhiều thuộc về các đơn vị: Vườn quốc gia Cát Tiên, rừng phòng hộ Tân Phú, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp La Ngà (huyện Định Quán) và Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Đông Nam Bộ.
Bà Nguyễn Thị Gái - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai cho biết, công ty đang có một số diện tích đất bị người dân lấn chiếm. Hầu hết số đất này trước đây do không thể trồng cao su nên công ty đành bỏ hoang, thấy thế dân lấn chiếm canh tác. Cũng tình trạng này, tại rừng phòng hộ Tân Phú hiện có hơn 1.000ha đất rừng của đơn vị đang bị người dân tranh chấp.
Ở một số địa phương có rừng, như: Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Tân Phú, nhiều trường hợp hộ dân nhận hợp đồng giao khoán đất rừng, sau một thời gian sử dụng đã chia nhỏ chuyển nhượng qua tay nhiều người.
Sẽ thu hồi dứt điểm
Theo Ban chỉ đạo giải quyết đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tỉnh Tây Ninh, tính đến nay tỉnh đã giải quyết, thu hồi dứt điểm hơn 4.000ha đất lâm nghiệp bị bao chiếm, sử dụng không đúng mục đích. UBND tỉnh Tây Ninh đã có chủ trương giải quyết thu hồi GCNQSDĐ cấp trùng trên đất lâm nghiệp, có hợp đồng, có giấy xác nhận, cũng như phê duyệt đề án di dời các hộ dân cất nhà, chòi trái phép trên đất lâm nghiệp ra nơi quy hoạch.
Theo đề án này, đến cuối năm 2015, 3 huyện Tân Biên, Tân Châu và Dương Minh Châu phải di dời dân ra khỏi đất lâm nghiệp. Đến nay, huyện Dương Minh Châu đã cơ bản hoàn thành. Huyện Dương Minh Châu đã đưa 34 hộ dân sinh sống trong rừng lịch sử ra khu tái định cư ở ấp Phước An, xã Phước Ninh. Ông Hà Thanh Tùng- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Dương Minh Châu, cho biết việc di dời các hộ này ra khỏi đất lâm nghiệp đến khu tái định cư chỉ cách nơi ở cũ khoảng 1km, nên cuộc sống hầu như không bị xáo trộn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh đang tăng cường công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp không để xảy ra tình trạng phá, lấn chiếm mới và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích.
Trong khi đó, tình hình giải quyết tranh chấp đất lâm nghiệp ở Đồng Nai lại căng thẳng và nhùng nhằng hơn. Vì quan điểm diện tích đất lâm nghiệp bị tranh chấp so với rừng không đáng kể, nên giao cho địa phương cấp GCNQSDĐ, hợp thức hóa cho người dân. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến nếu làm như vậy sẽ tạo tiền lệ xấu dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất rừng ngày một nhiều hơn.
Tỉnh Đồng Nai sẽ thu hồi đất với những trường hợp lấn chiếm và với những diện tích đất giao khoán từ trước, sau đó nếu các hộ có nhu cầu sẽ tiếp tục hợp đồng giao khoán đất rừng. |