“Hà Nội bây giờ rất xấu. Chắc chắn thay đổi là tất yếu, không có cách gì chống lại được dù trong nỗi xót xa nào đó tôi có viễn tưởng giá tôi là Chủ tịch thành phố hay giám đốc Sở Văn hóa thì… Nhưng điều đó khó xảy ra, tôi mãi là người cầm bút, tôi giữ Hà Nội bằng văn chương trong nỗi xót xa…”, Vi Thùy Linh bày tỏ.
Không phải là người mở đầu buổi tọa đàm nhưng những tâm sự của nữ nhà thơ đã nhận được sự tán thưởng của nhiều khán giả có mặt tại hội trường. Chị là một trong bốn vị khách mời của sự kiện “Hà Nội đã thay đổi thế nào” vừa tổ chức tại Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) cùng với họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, kiến trúc sư Phó Đức Tùng và nhà nghiên cứu Trần Quang Đức.
Bốn vị khách mời tại buổi tọa đàm. Sự kiện thu hút đông khán giả đến nỗi nhiều bạn trẻ ngồi bệt trên cả khu vực sân khấu
Phía dưới hội trường không còn một chỗ trống, lối đi vào hội trường cũng kín đặc người. Nhiều khán giả đến xem tọa đàm "Hà Nội thay đổi thế nào" thậm chí phải đứng ngoài vì hội trường... quá tải
Vi Thùy Linh không thích Hà Nội mở rộng. Nữ nhà thơ gọi Hà Nội hiện tại là một “Hà Nội bị gù” với những ngã tư cầu vượt, cây xanh bị đốn hạ… và “Hà Nội đã bị thất tán rất nhiều phần hồn” - theo chị, phần hồn đó không chỉ là kiến trúc, văn hóa của Hà Nội mà ở chính những con người Hà Nội chưa biết yêu Hà Nội một cách thực lòng, chưa biết bảo vệ những nét đẹp căn cốt vốn có của vùng đất kinh kỳ ngàn năm văn vật.
Chị nhớ lại: “Hà Nội ở trong trí nhớ của tôi đó là ký ức về những con đường, công viên, góc phố, những hàng kem, hiệu sách. Mỗi khi tôi nghĩ về những kỷ niệm ấy thì không kìm được nước mắt. Cây bị bạo hành vì đào vỉa hè, chặt phá, ao hồ bị lấp. Những lá phổi ấy, màu xanh ấy hàng ngày bị tè bậy, đổ dầu luyn cho chết để lấy mặt tiền kinh doanh.
Rồi thì Hồ Gươm ngày xưa rộng sang tận Hàng Khay, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (nay là đài phun nước Hàm Cá mập), bây giờ lồng đèn, đèn, hoa giả vô duyên, giờ chỉ còn lại tháp Hòa Phong, làm gì còn hàng hoa và hàng gánh rong trên phố hàng Khay, tàu điện cũng đã mất…”.
Câu chuyện về “mặt tiền” trong chia sẻ của nhà thơ Vi Thùy Linh cũng được họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đề cập.
Anh giới thiệu những bức ảnh nằm trong nhiều dự án về sự thay đổi của Hà Nội ngày nay, cụ thể là việc đô thị hóa đã khiến những ngôi nhà mặt tiền, mặt phố nay trở thành… tiền mặt.
Theo họa sĩ, đi trên đường phố khó thấy được Hà Nội đã khác biệt và “độc” như thế nào. Anh có cơ hội thấy được Hà Nội từ trên cao và cả những tấm bảng quảng cáo với công nghệ in phun khổ lớn “bịt mặt” thành phố - một trào lưu tràn lan ở Hà Nội, các đô thị lớn Việt Nam nhưng anh lại không thấy sự xuất hiện của chúng ở đô thị nước ngoài.
Giống như nhận định của nhà thơ Vi Thùy Linh, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói: “Hà Nội bây giờ khác Hà Nội trong thời kỳ bao cấp hay của người Hà Nội xưa”.
Còn nhà nghiên cứu Trần Quang Đức thì cho rằng, có lẽ do thực tại cuộc sống quá nhiều bê bối xấu xa nên người ta thường hay tìm đến đến ký ức, quá khứ xa xưa, thế nên, việc nhà thơ Vi Thùy Linh lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm với Hà Nội xưa là điều dễ hiểu.
Văn hóa không chỉ của Hà Nội nói riêng mà cả Việt Nam nói chung có những phong tục khác nhau theo mỗi triều đại. Anh lấy ví dụ, trong cuốn sách “Hà Nội cũ” của Doãn Kế Thiện có câu chuyện về vũng voi giày ngày xưa là nơi để xử (cho voi giày xéo) những người phụ nữ gian dâm. Vũng voi giày ấy ngày nay nằm ở công viên Lê Nin. Hay như việc Hà Nội còn có một cái hồ có tên là hồ xác trẻ - từng là nơi tìm thấy rất nhiều xác trẻ con, trong đó có cả xác người lớn…
Hà Nội cũ của Doãn Kế Thiện - một trong những cuốn sách ghi lại nhiều tích về Hà Nội xưa do Nhã Nam ấn hành
Bên cạnh một Hà Nội với những mặt tốt đẹp về văn hóa, phong tục, Trần Quang Đức kể ra như vậy để thấy Hà Nội ngày xưa hẳn không phải không có những cái xấu: “Khi nhìn lại Hà Nội thay đổi như thế nào thì cần nhìn xem có gì xấu xa, tiêu cực hay không, không phải cứ Hà Nội ngày xưa là đẹp, là yên bình. Cũng từ đó để thấy được cái gì cần thay đổi, cái gì cần kế thừa”.
Đơn cử như ví dụ về “văn hóa chửi”. Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức dẫn chứng, ngày xưa, giới trí thức chửi có đạo đức, liêm sỉ, lễ nghĩa chứ không “bừa phứa” trên mạng xã hội như bây giờ. Có lẽ chính do sự kết hợp văn hóa của Tây học và phương Đông đã tạo nên bộ mặt văn minh hơn rất nhiều. “Xã hội hiện đại về mặt tư tưởng và niềm tin đã khác rất nhiều so với thời ngày xưa”, anh Đức nhận định.
Kiến trúc sư Phó Đức Tùng lại có quan điểm hơi khác. Anh phân tích về việc cả 3 diễn giả nghiễm nhiên coi Hà Nội không vượt ra 4 quận nội thành cùng khu phố Pháp hay khu phố cổ.
“Diện tích Hà Nội hiện nay khoảng 33.000 héc ta, gấp mấy trăm lần cái chị Linh coi là Hà Nội và gấp mấy chục lần cái anh Sơn coi là Hà Nội”. Tôi nghĩ trong sự phát triển của Hà Nội không thể so sánh một Hà Nội cổ với một Hà Nội lớn, của 30.000 dân và bây giờ là thành phố của 5 triệu dân.
Hà Nội ngày xưa có một số giá trị văn hóa mà hiện nay chúng ta cho rằng đã bị mất đi một phần vì sự mở rộng địa danh, địa giới, sự mở rộng dân số.
Nhưng, giữa Hà Nội ngày xưa và bây giờ là hai thực thể, câu chuyện khác nhau. Nếu như đề cập đến kiến trúc hay giá trị văn hóa thì chúng ta không bao giờ chờ đợi một giá trị chuẩn trong đám đông hàng triệu người được, vì thế dù có định nghĩa giá trị theo góc độ nào cũng bị mất đi”, kiến trúc sư Phó Đức Tùng bày tỏ.
Anh nói thêm: “Tôi đi nước ngoài nhưng khi quay về Hà Nội tôi thấy nơi đây là tôi thích nhất. Đối với tôi, Hà Nội hiện nay vẫn đẹp hơn là xấu, vẫn có nhiều ưu điểm hơn nhược điểm. Hy vọng giới trẻ sẽ chỉ nhìn thấy những ưu điểm và thấy Hà Nội đáng yêu, kể cả 100 năm sau họ vẫn thấy Hà Nội đáng yêu”.
Giữa những tranh luận về việc Hà Nội đang thay đổi thế nào, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho rằng cần nhìn lại cái gì đang thay đổi. Theo anh, việc bảo tồn về văn hóa Hà Nội là một vấn đề khó vì nó thuộc về giáo dục và ý thức của từng người, trong đó có những người thuộc“tầm cao”.
Ký ức về tàu điện Hà Nội. Clip: VTV,YouTube