Câu chuyện về những chuyến tàu lên Đồng Đăng (Lạng Sơn) những năm 90 của thế kỷ trước của người Tổ trưởng bảo vệ cứ ám ảnh tôi mãi. Dường như nó là thước phim quay chậm tái hiện lại thời của những chuyến tàu chất chứa lo âu...
Tàu tuyến Hà Nội - Đồng Đăng qua cầu Bắc Thủy (Lạng Sơn). Ảnh: Ngô Vinh
Trộm cướp như rươi
Trong cái lắc lư của toa tàu, tiếng xìch xịch của bánh sắt tàu lên Đồng Đăng, ông Đỗ Ngọc Cảnh, SN 1962, Tổ trưởng Tổ bảo vệ trên tàu thuộc Đội tàu Bắc Giang mở đầu câu chuyện bằng hai câu thơ: "Đường lên tuyến Lạng quanh co/ Chưa bước lên tàu đã thấy lo".
Đó là những năm 1990 của thế kỷ trước. Tàu lên Đồng Đăng vất vả lắm, trộm cướp, buôn lậu và các đối tượng “đầu gấu” nhiều vô kể. Gần như ngày nào cũng bắt được trộm cướp và hàng lậu, ngày nào cũng có mấy vụ đánh nhau đến trọng thương. Thậm chí có ngày những vụ xô xát còn dẫn đến chết người. Không phải chỉ riêng hành khách, mà ngay cả tổ tàu và các nhân viên bảo vệ trên tàu cũng lo lắm. Những chuyến tàu khách thường phải bố trí cả hơn chục nhân viên bảo vệ, được trang bị súng để sẵn sàng trấn áp tội phạm. Mãi đến năm 2004, tổ tàu mới không được trang bị súng nữa.
“Tôi xác định đây là nghiệp rồi, vất vả mấy cũng theo. Bây giờ tàu hỏa đã sướng hơn ngày xưa rồi, an ninh tốt hơn nên tôi cũng thảnh thơi đôi chút. Tôi đã 53 tuổi, hôm trước có người gợi ý về hưu non sẽ được lĩnh hơn 140 triệu. Tôi bảo ngành đường sắt còn cần tôi vẫn ở lại. Giờ về nhà buồn chân buồn tay, có khi lại uống rượu rồi chết sớm”. Ông Đỗ Ngọc Cảnh |
Ông Cảnh nhớ lại thời điểm đó, đi tàu tuyến Hà Nội - Lạng Sơn vất vả lắm. Trên tuyến này hồi đó có hai đôi tàu khách và đôi tàu 57/58 đi Hạ Long nữa. Tàu chủ yếu chạy đêm. Khoảng năm 1989 đến 1995, tình trạng trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, buôn lậu và chống người thi hành công vụ rất nóng trên các chuyến tàu phía Bắc và Đông Bắc này. Từ năm 1995 đến cuối năm 2014 vừa rồi, nóng nhất là buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng “nóng” nở rộ trên tuyến này.
Ngoài lực lượng công an còn có lực lượng bảo vệ chuyên ngành đường sắt được thành lập từ năm 1989. Tàu đông khách lắm, song lực lượng công an bảo vệ hạn chế nên rất vất vả để giữ vững an ninh trên tàu và dưới ga.
Ông Cảnh nhớ lại, có đêm, cả tổ bảo vệ của ông bắt tổng cộng 17 đối tượng buôn lậu. Hôm đấy tổ bảo vệ tàu 57 bắt được 11 đối tượng, còn tàu Đồng Đăng bắt được 6 đối tượng đầu gấu, buôn lậu. “Chúng tôi dẫn giải về trụ sở của tổ bảo vệ. 6 đối tượng giao cho Công an thị trấn Yên Viên xử lý, 11 đối tượng giao cho Cục C26, bây giờ là C67- Cục CSGT. Hồi đấy bắt nhiều quá giao cho công an cũng không có chỗ nhốt”, ông Cảnh kể.
Theo ông Cảnh, đó là đêm cao điểm nhất về bắt đối tượng buôn lậu, đầu gấu. Còn bắt hàng lậu cũng có lắm chi tiết ly kỳ. Có ngày cao điểm, cả tổ của ông bắt được 4 tấn đồng. Các đối tượng rất tinh vi, để đồng lẫn dưới túi hàng, buộc quanh người và tìm cách trèo lên tàu khi tàu đang chạy. Có trường hợp đối tượng buộc dây đồng vào chân để trèo lên tàu, nhất là ban đêm khoảng từ 1h - 2h đêm. Hồi đấy tàu chạy chậm và không đúng giờ như bây giờ, có khi phải mất cả ngày mới từ Hà Nội lên đến Đồng Đăng. Tàu xóc, dây đồng buộc quanh người nặng trĩu, thế nên có đối tượng đu bám không cẩn thận đã bị rơi xuống đường ray và bị tàu cán đứt đùi, để lộ ra cuộn dây đồng.
“Nhìn những cảnh thế thương tâm lắm, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào. Anh em chỉ biết thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định rồi lại theo tàu thôi”, ông Cảnh nhớ lại.
Ông Đỗ Ngọc Cảnh.
Phá án
Nhưng vụ nổi tiếng nhất mà ông Cảnh tham gia phá án là khoảng năm 2001, thời điểm ông còn là Đội phó Đội bảo vệ. Đêm đấy, khi tàu về đến ga Kép (Bắc Giang), một hành khách nữ nhiều tuổi báo bị mất trộm hết tài sản. Ông bình tĩnh hỏi vị khách nhớ lại từ lúc lên tàu xem có đối tượng nào khả nghi không thì được biết, trên toa này có đôi vợ chồng dẫn theo hai đứa con nhỏ. Thấy có vẻ thân tình nên vị khách nữ đã khá thân mật nói chuyện, nhưng chẳng hiểu sao thì bị mê man và không biết gì nữa, khi tỉnh dậy thì thấy mất hết tài sản.
Tàu từ Hà Nội lên Đồng Đăng giờ chỉ còn chạy hơn 3 tiếng đồng hồ trong cái thảnh thơi, sạch sẽ. Câu chuyện của người Tổ trưởng Tổ bảo vệ trên tàu thuộc Đội tàu Bắc Giang dường như vẫn dài mãi cho đến khi ga cuối hiện ra. “Giờ an ninh đã tốt, không còn đối tượng trộm cắp, đầu gấu như trước, nhưng công việc vẫn nhiều lắm. Còn phải đào tạo các thế hệ trẻ, phải giải quyết các vụ việc an ninh trật tự, phòng chống ném đất đá lên tàu... để đảm bảo an toàn. Tôi vẫn chưa thất nghiệp đâu!”. |
“Lập tức tôi và các thành viên tổ bảo vệ trên tàu truy tìm manh mối từ các hành khách xuống ga Kép. Tôi ra cổng ga hỏi đội xe ôm: “Mấy anh có chở người nào từ trên tàu xuống không?”. Mấy ông xe ôm khẳng định chưa chở bất cứ ai trên chuyến tàu này. Tôi suy đoán chắc chắn đối tượng vẫn còn quanh quẩn trong ga nên cho anh em bí mật đi rà soát. Lúc đấy khoảng 20h30 tối, tôi ra đến sát đoạn đường ở ga và suy đoán đối tượng sẽ không thể đi vào khu vực này được do đây là đường ngoắt ngoéo, nếu là người lạ sẽ không biết đường ra. Tôi bảo anh em kiên trì mật phục. Một lát sau phát hiện hai vợ chồng có đặc điểm đúng như nhận dạng mô tả, tôi lập tức áp sát, mời về trụ sở ga để người bị hại nhận mặt. Lập tức bị hại nhận ra đúng vị khách đi cùng toa tàu. Đối tượng rất ranh mãnh, chối tội. Nhưng bằng nhiều biện pháp cứng rắn, cộng thêm những chứng cứ không thể chối cãi, cuối cùng đến 2h sáng hôm sau, đối tượng nhận tội. Lúc đấy khám xét mới thu được ba chỉ vàng. Đối tượng bị dẫn giải về Công an tỉnh Bắc Giang lại phát hiện thêm 4 chỉ vàng nữa”, ông Cảnh kể. Sau vụ án này, ông được Bộ Công an tặng bằng khen.
Bẵng đi khoảng chục năm, ông Cảnh mới biết đấy là đối tượng trộm cắp, lừa đảo chuyên nghiệp khắp từ Bắc đến Nam, sử dụng nhiều tên khác nhau để lừa đảo. “Nguyên do là vì gần 10 năm sau Bộ Công an tiếp tục điều tra đối tượng nữ này do có một vụ án ở TP.HCM liên quan đến một phụ nữ mang nhiều tên khác nhau, lực lượng công an đã lần lại manh mối lịch sử đối tượng này và tìm đến tôi. Lúc đấy tôi mới biết đối tượng này xảo quyệt đến mức toàn bộ tội trạng đều đổ hết cho những anh chồng hờ. Đối tượng này đi đến đâu là có chồng hờ đến đấy. Hành trình phạm tội từ Nam ra Bắc, ả cặp với mấy chục người đàn ông nên mỗi lần gây án đều dụ dỗ những người này nhận tội thay rồi đổi một tên khác và “lặn” mất tăm”, ông Cảnh cho hay.
Ăn đòn nhiều vô kể, hai lần mất chức
Từng học đặc công nên giỏi võ thuật, lại được học qua các lớp bảo vệ nên ông có nhiều kinh nghiệm trong đảm bảo an ninh, trật tự. Thế nhưng cũng đã có nhiều lần ông suýt mất mạng. Đó là hồi tháng 7.1987 tại ga Đồng Mỏ, ông bị hơn chục đối tượng dùng hung khí quây đánh đến trọng thương. Gia đình cứ tưởng ông không qua khỏi. May sao lúc đấy còn khỏe, lại từng học võ nên ông đã dần hồi phục. “Đến nay trên người nhiều vết tích lắm, sẹo cả ở mặt và đầu. Dấu vết của trận đánh năm đấy còn đầy trên người”, ông Cảnh nói và vén áo cho tôi xem những vết sẹo ở đầu, ở lưng, ở tay...
Nhưng cái số ông lận đận mãi. Dù đã hai lần được lên làm Đội trưởng, nhưng cả hai lần đều bị mất chức. Năm 2005, ông vừa lên Đội trưởng được một thời gian ngắn thì bắt được vụ buôn lậu lớn với số lượng khoảng 47 đầu video của Trung Quốc, có giá khoảng bốn chỉ vàng một chiếc. Do mừng rỡ với chiến công nên anh em trong đội có uống rượu và ngủ say. Chỉ mình ông thức canh hàng. Đến giữa đêm, khoảng 40 đối tượng lao vào khống chế ông lấy đi hơn nửa số hàng.
Sau đó, vụ này đưa lên huyện, rồi lên tỉnh xử lý. Nhiều người nghi ngờ ông bán hàng và tạo hiện trường giả. Ông bị kỷ luật và cách chức. Khoảng gần chục năm sau, ông được bổ nhiệm lại làm Đội trưởng đội bảo vệ. Nhưng oái oăm thay, chưa được trăm ngày thì đường sắt vào công cuộc sáp nhập. Các đội được đưa xuống thành tổ. Ông tự dưng mất chức Đội trưởng.