Dân Việt

Nhà nông học lái máy kéo

Thế Khôi 15/09/2015 07:15 GMT+7
Để sản xuất tốt hơn, nhiều người dân ở huyện Kon Rẫy (Kon Tum) mua sắm máy kéo chuyên chở hàng hóa. Tuy nhiên, do không có bằng lái nên máy kéo đã gây ra không ít tai nạn giao thông.

Lái xe không giấy phép

Theo báo cáo của UBND huyện Kon Rẫy, tính đến nay toàn huyện đã có hơn 120 phương tiện xe máy kéo nông nghiệp đăng ký sử dụng, số còn lại do không đăng ký nên huyện cũng chưa có thống kê cụ thể. Tất cả các chủ phương tiện trên đều không có giấy phép lái xe hoặc chưa qua khóa đào tạo về vận hành máy kéo nông nghiệp…

Với việc sử dụng các phương tiện thô sơ tự do và nghĩ rằng các loại xe này không bắt buộc phải có bằng lái là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, nghiêm trọng hơn là đã có nhiều trường hợp thương vong.

img

Các học viên tham gia phần thi thực hành lái xe máy kéo nông nghiệp hạng A4 tại Trung tâm Dạy nghề huyện Đăk Hà. Ảnh: T.K

 Để giảm thiểu cũng như chấm dứt tai nạn giao thông trên địa bàn thời gian qua, ban an toàn giao thông, công an, trung tâm dạy nghề đã tiến hành tổ chức tuyên truyền sâu rộng về Luật An toàn giao thông đường bộ đến đông đảo bà con nhân dân. Đồng thời, cử cán bộ xuống tận thôn, làng tập hợp lập danh sách, vận động người dân đăng ký tham gia khóa học vận hành máy kéo nông nghiệp.

Ông Đinh Trường An – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Kon Rẫy cho biết: “Sau khi vận động được 67 học viên đăng ký học nghề. Lớp học được bắt đầu từ tháng 6.2015 tại Trung tâm Dạy nghề huyện Kon Rẫy với 67 học viên và phân ra thành 3 lớp, đào tạo trong thời gian 30 ngày”.

Nhiều kiến thức hữu ích

Học viên Nguyễn Quang Bắc (thôn 3, xã Tân Lập) cho biết: “Em học và biết lái máy kéo nông nghiệp đã nhiều năm rồi. Thông thường, các chủ máy như chúng em có kinh nghiệm lái nhưng khâu xử lý tình huống khẩn cấp khi gặp sự cố thì còn lúng túng lắm. Tham gia khóa học do trung tâm tổ chức, ngoài những kiến thức cơ bản về các điều luật khi tham gia giao thông, các giáo viên còn hướng dẫn, chỉ dạy rất tận tình  cách điều khiển xe tới, lui đúng quy định và đặc biệt là đưa nhiều ví dụ để học viên biết cách xử lý các tình huống khẩn cấp”.

Học viên A Phước (thôn 3, xã Đăk Pne) tham gia học lái máy kéo với mục đích giữ được việc có thu nhập tốt. Em Phước cho biết: “Em làm nghề lái xe máy kéo nông nghiệp mỗi tháng cũng kiếm được 3 triệu đồng. Trước thì chưa có quy định nên ông chủ không yêu cầu bằng lái, khi đến xin làm được thử tay nghề rồi nhận vào làm thôi. Nhưng bây giờ muốn mua xe hay hành nghề bằng phương tiện máy kéo nông nghiệp thì phải có bằng lái”.

Thầy Phạm Văn Hồng – giáo viên đứng lớp khoa cơ khí, Trung tâm Dạy nghề huyện Đăk Hà chia sẻ, trong 1 tháng học, giáo viên đã tập trung cho học viên học lý thuyết, phổ biến về an toàn giao thông, đặc biệt tăng cường hướng dẫn cho học viên kỹ thuật lái xe máy kéo nông nghiệp trên sa hình.

“Phần thực hành lái xe thì hầu hết các học viên đều đã có kinh nghiệm, song do lâu nay các chủ phương tiện điều khiển xe không theo quy chuẩn nào nên khi áp dụng lái theo mô hình, sơ đồ thì các học viên còn lúng túng xử lý. Đó cũng là lý do gây ra các vụ tai nạn giao thông”.

Sau lớp học, 67/67 học viên đã được cấp giấy chứng chỉ nghề vận hành máy kéo nông nghiệp hạng A4. Đây cũng là điều kiện các học viên tiếp tục tham gia thi sát hạch để cấp giấy phép lái xe hạng A4. 

Theo kế hoạch của Trung tâm Dạy nghề huyện Kon Rẫy, 6 tháng cuối năm 2015 Trung tâm sẽ phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Đăk Hà tiếp tục tổ chức 2 lớp dạy nghề vận hành máy kéo nông nghiệp cho khoảng 40 học viên