Bố mẹ chồng tôi chỉ kinh doanh nhỏ nhưng được cái buôn bán có duyên nên vẫn đủ sức nuôi sống được cả gia đình và có của ăn của để. Tốt nghiệp đại học xong 1 năm thì anh ấy hỏi cưới tôi. Thấy anh chàng thư sinh, học hành tử tế, gia cảnh phù hợp, lại yêu mình nên tôi đã đồng ý.
Lúc tìm hiểu nhau, tôi cũng có hỏi vì sao anh chưa đi làm. Anh ấy bảo vì chưa tìm được công việc phù hợp, tôi tin và chấp nhận lý do đó ngay lập tức vì chuyện sinh viên ra trường phải chờ việc là bình thường mà.
Nhưng lấy nhau rồi, sinh con xong rồi, ngót nghét 3 năm trời, chồng tôi cũng không đả động gì tới chuyện đi làm khiến tôi phát bực. Tôi có nói đến thì vẫn là giọng điệu cũ: “Đi làm tư nhân thì để chúng nó bóc lột, vắt kiệt sức lao động à? Muốn đi làm nhà nước thì phải từ từ, có phải lúc nào cũng có chỉ tiêu đâu”. Trời đất, tôi nghĩ, giữa lúc khối nhà nước đang tìm cách giảm biên chế thế này mà ông chồng cứ bình chân như vại đợi chỉ tiêu, đợi người ta tìm tới mình thì chắc là đợi đến… cuối đời cũng chẳng có.
Suốt ngày, anh ấy cứ lanh quanh trong nhà, lúc thì trông con, lúc thì mó máy tí việc nhà, lúc thì chơi đá bóng với mấy thằng choai choai trong tổ, tối đến ăn cơm xong thì cày game. Bố mẹ chồng tôi vì chiều con, sợ con vất vả nên cũng mặc kệ, thích ở nhà tới bao giờ cũng được. Có lúc tôi từng than phiền với mẹ chồng thì bà bảo: “Con người ta có cái số, số của nó chưa đi làm được. Con cứ chờ đi, nó ở nhà mãi rồi cũng chán ấy mà”.
Nhưng mà, theo tôi nghĩ, có ở nhà cả đời mà cứ được nuôi ăn, nuôi mặc thể này thì chẳng bao giờ chồng tôi biết chán cả. Bố mẹ chồng tôi cũng già rồi, làm sao vợ chồng, con cái tôi cứ mãi dựa dẫm kinh tế thế được. Tôi học hành có hạn, lại không năng động nên lương hàng tháng chỉ đủ nuôi miệng mình thôi.
Tôi luôn hy vọng chồng tôi sẽ thay tính đổi nết, có hoài bão và chí tiến thủ, trở thành trụ cột trong gia đình, vừa cho bõ công ăn học, vừa để không phụ công bố mẹ và niềm mong đợi của vợ con.
Tôi cần phải làm gì để tạo động lực cho anh ấy?
(Huyền, Yên Bái)
Chào bạn,
Trước tiên, Hộp thầm kín muốn bày tỏ sự đồng tình với suy nghĩ và quan điểm của bạn. Một công dân, nhất là một công dân trí thức như chồng bạn lẽ ra phải nhiệt tình, tích cực lao động để giúp đỡ gia đình và đóng góp cho xã hội mới phải. Hơn thế nữa, anh ấy còn là một người đàn ông, là trụ cột gia đình thì càng không thể mãi phụ thuộc vào bố mẹ.
Chồng bạn hoàn toàn có thể ứng tuyển vào các công ty, tập đoàn tư nhân. Đừng cổ hủ nghĩ rằng, cứ tư nhân là bóc lột sức lao động. Môi trường cạnh tranh đang ngày càng khiến khối tư nhân trở nên năng động hơn, công bằng hơn (thưởng – phạt phân minh) và có sức hấp dẫn lớn hơn.
Nếu bạn nói suông thì có thể chồng sẽ không tin. Thế thì, hãy đưa ra những “nhân chứng, vật chứng” cụ thể. Bạn đã đi làm nên ít nhiều đã có những mối quan hệ. Nếu bạn có một vài người quen thân hoặc họ hàng đang đầu quân cho doanh nghiệp khá thành công, hãy tìm cách để ông xã tiếp xúc với họ nhé. Những câu chuyện phiếm trong chầu cà phê chẳng hạn cũng có thể sẽ khiến đức ông chồng vỡ ra nhiều điều.
Dần dần, từng chút một, thông qua những cuộc trò chuyện hàng ngày, hãy khiến chồng hiểu rằng, không phải cứ đi làm là áp lực, nhiều người tìm được niềm vui trong công việc và niềm hạnh phúc khi có những đồng nghiệp đáng mến. Hãy hạn chế kể về những phiền muộn nơi làm việc (nếu có) với chồng, vì nếu vậy, anh ấy sẽ thấy mất hứng.
Trong câu chuyện này, vai trò của bố mẹ chồng là hết sức quan trọng. Hãy một lần nói chuyện thật nghiêm túc với bố mẹ để tìm kiếm sự đồng tình. Thêm vào đó, nếu chồng bạn quý mến, tin tưởng ai đó thì lời nói của người đó ắt hẳn sẽ có trọng lượng và sức ảnh hưởng với anh ấy. Vậy thì, hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn và nhờ người đó giúp đỡ nhé.
Chúc bạn sớm thành công!