Dân Việt

Bão số 3 đánh chìm tàu thuyền, xô đổ kè biển

Chiều nay (15.9), theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, cơn bão số 3 đã làm thiệt hại nặng cho cả ngư dân và nông dân trên địa bàn.

Theo đó, có 2 tàu thuyền bị sóng đánh chìm do va đập, đó là tàu cá QNa:90208 của gia đình ông Trần Công Tăng (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành) và tàu QNa:91557 của ngư dân Lương Công Dũng (xã Tam Giang, Núi Thành).

img

Tàu QNa:90208 có công suất 340CV bị sóng đánh chìm

Ngoài ra, có 800m bờ biển Cửa Đại, TP.Hội An bị sạt lở, sạt lở 2.747m3 đường, 9,9ha diện tích ô nuôi tôm bị thiệt hại, 57ha lúa bị ngập và ngã đổ, 17 hồ thủy lợi có 1 hồ tích đầy nước, 1 hồ tích 80% và 15 hồ tích dưới 50% dung tích, có 42 cây trụ điện và 1 trụ ăng-ten đài truyền thanh bị gãy…

Dọc bờ biển Cửa Đại (Quảng Nam), sáng sớm nay (15.9), sau cơn bão số 3, những cây xanh lớn, nhỏ trước các khách sạn, resort ven biển bị gió thổi bật gốc, nằm ngả nghiêng.

Tại khu resort Fusion đang xây dựng dang dở, toàn bộ bờ kè chắn phía sau và hai bên resort được xây dựng cao hơn 5m, nhưng vẫn bị sóng biển công phá, khoét sâu vào sát vách. Nước biển tạo thành từng dòng tràn ngập lênh láng ngay dưới móng các dãy phòng.

img

Hàng trăm mét bờ kè sau khu resort Fusion bị công phá dữ dội.

Cạnh khu resort Fusion nằm trơ trọi, chống chọi với sóng biển là đoạn bờ kè chắn sóng dài hơn 100 mét cũng đang thi công dang dở. Để bảo vệ công trình được xây dựng gần 2 tháng nay, hàng chục công nhân của Công ty xây dựng Toàn Cầu đã có mặt từ sáng sớm nay và khẩn trương dùng các nắp đập bằng bê-tông để phủ lên mặt bờ kè.

Trao đổi nhanh với PV, ông Nguyễn Sinh - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại - cho biết, vào mỗi mùa mưa bão, chính quyền địa phương luôn phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực khách sạn để ứng phó thiên tai.

“Hai hôm nay, sau khi nhận thông tin bão số 3 đổ bộ vào đất liền khu vực miền Trung, UBND phường tổ chức cuộc họp khẩn bàn về công tác phòng chống bão. Trước mắt, phường sẽ xuống từng hộ dân và những khu resort ven biển tổ chức kiểm tra lại tình hình...", ông Sinh nói.

Còn tại TP.Tam Kỳ, sáng nay, theo ghi nhận nhanh cũng có nhiều cây cối ngã đổ, cùng với thiệt hại về hoa màu, cây ăn quả của người dân vùng nông thôn...

Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, do bão số 3 gây nên mưa lớn làm sạt lở đường tại huyện miền núi Tây Giang. Theo đó, sạt lở khoảng 2.290m3 tại các tuyến đường: ĐT 606, từ xã Axan đi Ch’ơm, từ Axan đi Gari, từ Ch'ơm đi Gari, từ trung tâm huyện Tây Giang đến xã Dang...

Sáng nay, di chuyển dọc bờ biển từ huyện Núi Thành ra thị xã Điện Bàn, ghi nhận của PV, dù bão đã qua nhưng hiện biển động vẫn mạnh. Những con sóng cao tới cả mét, gió thổi mạnh khoảng cấp 5.

img

Gió thổi mạnh khiến cát bay phủ kín kè chắn bờ biển một lớp dày gần 5cm.

Tại bãi biển Tam Thanh, gió thổi hất tung nhiều vật dụng chòi nghỉ, biển hiệu và đặc biệt là thổi cát bay phủ kín kè chắn bờ biển một lớp dày gần 5cm. Ngoài ra, cát phủ cũng dày các vật dụng buôn bán của người dân khu vực dọc bờ biển.

Còn khu vực sông Trường Giang, hiện nước vẫn dâng cao. Nhiều hộ tôm của người dân bị ngập, phải dùng lưới giăng để tôm không thoát được ra ngoài.

img

Gió mạnh hất tung nhiều vật dụng chòi nghỉ, biển hiệu...

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Chủ tịch UBND xã biển Tam Thanh, TP.Tam Kỳ - cho biết, do làm tốt công tác ứng phó với bão nên tại địa phương không có thiệt hại gì về nhà cửa cũng như người dân và tàu, thuyền. Hiện xã đang tiếp tục cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra thêm tình hình sau bão để thống kê báo cáo cấp trên.

Chiều tối 15.9, thượng tá Nguyễn Văn Mỹ - Đồn trưởng Đồn biên phòng Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, TP.Hội An - cho biết đã cứu hộ thành công 9 ngư dân gặp nạn ở khu vực đảo Cù Lao Chàm trên tàu cá QNg 94453 của ông Nguyễn Phi Dũng (trú xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Khi tàu này đang neo đậu thì gió lớn, sóng biển mạnh đánh làm đứt dây neo thuyền, trôi dạt ra ngoài khơi và va vào bãi đá ngầm nên bị thủng, chìm tàu.

Nhận được tin báo từ tàu QNg 94453, Đồn biên phòng Đảo Cù Lao Chạm đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ mang theo áo phao nhanh chóng đến hiện trường và cứu 9 ngư dân thành công. Nhưng do thời tiết xấu, biển động mạnh nên đến chiều tối cùng ngày vẫn chưa  trục vớt tàu được.

Tại Đà Nẵng, tính đến 14h chiều 15.9, vẫn có mưa to đến rất to khiến các công tác khắc phục hậu quả của bão số 3 gặp trở ngại. Nhất là việc chống lại hàng trăm cây xanh bị bật gốc và sửa chữa những tuyến dây điện, dây internet bị đứt do gió giật mạnh.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) thành phố vừa cho biết, tuy tâm bão số 3 không đi vào Đà Nẵng những cũng khiến 3 tàu cá của Đà Nẵng bị đánh chìm và khoảng 500 cây xanh bị bật gốc.

Ngoài ra, mưa to cũng khiến 73 ha lúa chưa thu hoạch kịp bị ngập (chủ yếu ở huyện Hòa Vang) và một số vùng rau bị ngập cục bộ. 

Ông Lê Văn Tuyến - Phó Chánh Văn phòng Ban PCTT-TKCN TP.Đà Nẵng cho biết thêm, hiện mực nước ở hai hồ chứa thủy lợi lớn của Đà Nẵng là Đồng Nghệ và Hòa Trung vần còn thấp. Mực nước ở các hồ chứa nhỏ vẫn đảm bảo, có một số hồ đã qua tràn. Các đơn vị, địa phương đã triển khai lực lượng trực chiến trên hồ, chuẩn bị vật tư, phương tiện, bao cát để sẵn sàng ứng phó.

Trong khi đó, do hoàn lưu bão số 3, tỉnh Quảng Trị đang chịu những trận mưa lớn.

Trong hơn 2.000 ha lúa chưa thu hoạch, có khá nhiều diện tích lúa bị ngập úng. Có mặt tại cánh đồng thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang (Gio Linh, Quảng Trị), PV Dân Việt chứng kiến nhiều diện tích lúa chín bị ngập úng, có nơi đồng lúa ngập sâu hơn một mét.

img

Nhiều diện tích lúa chín bị ngập úng, có nguy cơ mất trắng

Ông Lê Văn Thông – Chủ tịch UBND xã Gio Quang cho biết, riêng xã có khoảng 4 ha lúa bị ngập nặng. Tuy nhiên, vì trời mưa to, gặt về không biết phơi ở đâu nên bà con chưa thể ra đồng thu hoạch. Nếu mưa to tiếp tục duy trì, có nguy cơ mất trắng diện tích lúa trên.

Hiện nay, mực nước sông ở Quảng Trị đang tiếp tục lên, có sông đã lên trên mức báo động 2. Tại các xã của hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, nhiều con đường băng qua các sông suối đã bị chia cắt. Thầy cô không đến được trường, học sinh phải nghỉ học…

img

Nước ở các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang lên.

img

Con đường vào trường Tiểu học số 2 xã Hướng Hiệp (Đakrông) bị ngập đoạn qua một con suối, nước chảy siết khiến giáo viên ở đây không thể đến trường giảng dạy (Ảnh: Quang Minh)

Từ tối qua (14.9) đến nay, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị phải hứng chịu lượng mưa cực lớn làm một số tuyến giao thông bị chia cắt, nhiều khu dân cư bị cô lập.

Tại tỉnh lộ 586 từ quốc lộ 9 (Đông Hà-Lao Bảo) vào các xã vùng Lìa thuộc huyện Hướng Hóa, nhiều điểm ngập sâu hơn một mét, nặng nhất là khu vực xã Thuận, Thanh. Nhiều phương tiện lưu thông trên tuyến được này bị chết máy do ngập nước.

Để “cấp cứu” phương tiện giao thông qua lại các điểm ngập sâu này, thanh niên địa phương đã dùng thuyền để chở người và phương tiện qua lại với giá 20.000 đồng/lượt.

img

img

Mỗi lượt chở người, phương tiện qua điểm ngập, các thanh niên địa phương thu 20.000 đồng

Cà Mau: Cứu 21 ngư dân bị chìm tàu trên biển

Chiều 15.9, tin từ Đồn Biên phòng Rạch Gốc (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với tàu thuyền đánh bắt của ngư dân địa phương cứu vớt kịp thời 21 người trôi dạt trên biển.

Một cán bộ biên phòng thông tin, khi nhận được tin báo, đơn vị đã thông báo cho các tàu đang đánh bắt trên vùng biển gần nơi tàu bị nạn, phối hợp với lực lượng và phương tiện của đơn vị tìm kiếm.

Sau khi được đưa vào đất liền, những người bị nạn cho biết họ là ngư dân của tàu cá mang số KG 91453 TS do ông Trương Văn Mộng (50 tuổi, ngụ huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng. Vào khoảng 12h trưa cùng ngày, khi đang đánh bắt trên biển (cách cửa biển Rạch Gốc khoảng 12 hải lí về hướng Nam) thì tàu bị sóng đánh chìm, những người theo tàu ôm phao trôi dạt biển và được cứu vớt.

Hoàng Hạnh