Hội sách quốc tế Việt Nam lần thứ V diễn ra tại công viên Thống Nhất, Hà Nội, do Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức. Tại hội sách lần này, ngoài 200 gian hàng của hơn 100 nhà xuất bản trong nước còn có sự tham gia của 20 đơn vị xuất bản nước ngoài, mà theo thông báo trước đó của ban tổ chức, bao gồm một số cái tên “đình đám” như Oxford Univeristy Press, Cambridge Univeristy Press, Macmillan, Cengage, Pearson, Penguin Random House, Page One...
Gian hàng của NXB Person, Macmillan rất ít người tham quan, mua sách trong khi các gian hàng của nhiều đơn vị xuất bản trong nước nườm nượp người ra vào. Ảnh chụp chiều 13.9
Cũng giống như những hội chợ sách từng diễn ra tại đây, dọc theo lối từ cổng chính Công viên Thống Nhất đi vào là sự hiện diện của các đơn vị phát hành trong nước như Nhã Nam, Minh Long, Tân Việt, ThaiHa Books, Alpha Books, Tiki.vn... Những gian hàng của các đơn vị này được trưng bày bắt mắt và chiếm vị trí lớn so với gian hàng của các đơn vị nhỏ hay gian hàng của các nhà xuất bản, đơn vị quốc tế.
Ngoài gian hàng của Oxford và Cambridge ở vị trí to, đẹp thì các NXB, đơn vị quốc tế khác lại khiến người tham quan khá mất công tìm. Không ít người phàn nàn về điều này. Gian hàng của Hiệp hội xuất bản ASEAN cùng Tan Yang, Taschen, Page One nằm đối diện với khu trừng bày của NXB Person, Macmillan nhưng ở vị trí lẩn khuất.
Một phần lý do này khiến khu trưng bày của hai gian hàng này hiếm người tham quan, phần nữa là số lượng đầu sách chưa phong phú hoặc không gần gũi. Còn lại, các đơn vị xuất bản quốc tế khác như đã thông báo trước đó thì... “đỏ mắt” tìm kiếm.
Lượng người đến tham quan hội sách hai ngày cuối tuần càng đông hơn
Theo thông báo của ban tổ chức, ngoài việc trưng bày các hiện vật, tư liệu quý hiếm liên quan đến hoạt động xuất bản của Việt Nam, hội sách quốc tế Việt Nam lần này còn có nhiều chương trình xúc tiến, trao đổi bản quyền, hợp tác trong hoạt động xuất bản, tọa đàm về văn hóa đọc và hướng đi của ngành xuất bản.
Tuy nhiên, các sự kiện thu hút người xem vẫn là các hoạt động ra mắt tác phẩm, giao lưu với tác giả của các nhà xuất bản trong nước. Chiều 10.9, tại hội sách có buổi trao đổi hợp tác đại diện với các nhà xuất bản, đơn vị phát hành của Việt Nam nhưng có vẻ hoạt động này không thu hút nhiều đơn vị phát hành cho lắm. Đa phần những người tham gia hội thảo là... phóng viên.
Buổi giao lưu với bà Claudia Kaiser, đại diện - Phó Chủ tịch Ban Tổ chức Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt (Frankfurt Book Fair) về tổ chức Hội chợ sách quốc tế Frankfurt và chủ đề “Câu chuyện bản quyền trong thời kỳ hội nhập”, hay buổi giao lưu với Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ nhân dịp ra mắt cuốn sách “Ataturk - người khai sinh ra nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ” cũng ở trong tình trạng tương tự. Số người đến tham dự đã ít, vậy mà chỉ 5, 10 phút sau là thưa thớt dần...
Dẫu vậy, bà Claudia Kaiser vẫn đánh giá cao và ấn tượng với hội sách lần này bởi sự kiện thu hút được đông đảo bạn đọc, các bạn trẻ và đó cũng chính là thành công lớn nhất của Hội sách quốc tế Việt Nam lần thứ V.
Người xem rối bời vì thiếu chỉ dẫn Trong những ngày diễn ra hội sách,đặc biệt là hai ngày cuối tuần, có thể ghi nhận lượng người tham quan kỷ lục đổ xô đến triển lãm - hội chợ sách quốc tế Việt Nam. Lũ lượt người ra người vào khiến cho bãi giữ xe tại cổng chính công viên Thống Nhất quá tải, nhiều người phải đi lòng vòng để gửi xe. Đây cũng là địa điểm thường xuyên xảy ra tắc nghẽn giao thông. Có hai tấm poster khổ lớn in các hoạt động trong 4 ngày diễn ra hội sách được dựng lên ở hai bên phía cổng chính Công viên Thống Nhất, tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn thấy tấm poster này. |