Dân Việt

“Cắm” chữ trên đỉnh Gió

Nguyễn Trương Huyền 16/09/2015 06:46 GMT+7
Đường đi lối lại hiểm trở, cuộc sống vẫn mang nặng tính tự cung tự cấp, nhưng đồng bào sống trên núi Gió thuộc xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) rất coi trọng việc cho con em học chữ. “Cái chữ sẽ đưa bọn trẻ xuống núi” - đó là lời khẳng định của cụ Bùi Văn Lâm ở bản Cóc 1.

Cơm đói nhưng chữ phải no!

Đến trung tâm xã Ngọc Mỹ hỏi đường về núi Gió, người ta còn chỉ được, chứ hỏi về hai bản Cóc 1 và Cóc 2 thì chẳng mấy ai biết. Bản nằm hẻo lánh, không điện, không công trình nước sạch, đường đất gập ghềnh, trời nắng còn dám đi, chứ khi mưa thì trơn tuột, đến đứng nhìn còn sợ chứ chưa nói đến đi ra, đi vào. Cuộc sống của gần 100 hộ đồng bào ở 2 bản Cóc 1 và Cóc 2 cho đến thời điểm này hoàn toàn phụ thuộc vào việc trồng cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang nơi sườn đồi dựng đứng. Năng suất lúa nương thấp nên quanh năm làm mà bà con vẫn thiếu đói. “Ở vùng núi này, chúng tôi nghèo nên chẳng có của cải gì đáng giá để khoe, chỉ tự hào một điều là mấy trăm con người từ già đến trẻ ai cũng biết chữ, cơm dù có đói nhưng chữ thì phải no. Nhất là lũ thanh niên và trẻ con thì càng phải nhớ điều đó...” - cụ Lâm nói.

img

Các em bé bản Cóc đều được bố mẹ cho đến lớp học chữ. Ảnh: T.H

Có vẻ nghịch lý nhưng hình như cái nghèo đã “dạy” bà con không được bỏ rơi cái chữ. Trưởng bản Bùi Văn Tiền kể rằng: “Khoảng dăm năm trước, cả bản cũng chỉ có 1 - 2 người biết mặt chữ đủ để viết nguệch ngoạc cái tên vào bản đăng ký khai sinh, còn lại đa số bà con chỉ biết nhúng ngón tay vào mực để điểm chỉ. Giờ thì khác rồi, từ người từ già đến trẻ con, ai cũng biết đọc, biết viết...”.

Năm học mới ở ngôi trường mới

"  Các gia đình đều quan tâm đến việc học của con trẻ, có những phụ huynh hàng ngày đi bộ 4 - 5km để đưa con đến trường. Thậm chí phụ huynh còn ngồi lại trong lớp học cùng con cho đến khi chúng quen với bạn bè mới thôi...”.
Cô giáo Lương Thị Loan

Kể từ ngày Trường Tiểu học Ngọc Mỹ có quyết định mở thêm điểm trường B tại bản Cóc thì việc học hành ở đây đã đi được những bước dài. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục lớp xoá mù cho hàng trăm lượt người dân đã được tổ chức. Người Mường không phân biệt tuổi tác đều nô nức đi học chữ, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến lớp và không có tình trạng trẻ bỏ học giữa chừng. Bà con ý thức được vai trò của giáo dục, nên dù nghèo vẫn đóng góp nhiệt tình mọi thứ có thể cho việc xây dựng trường lớp. Những đứa trẻ trước kia vốn chỉ quen dong trâu, bò lên nương thì giờ đã “bị” bố, mẹ bắt đến lớp học. “Học chữ không thừa, có chữ mới có cơ hội đổi đời...” - chị Bùi A Lý, một phụ huynh ở bản Cóc 2 chia sẻ.

Đã hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất thâm sơn cùng cốc này, cô giáo Lương Thị Loan vẫn nhớ như in những ngày đầu đặt chân đến bản. Trường chỉ có 4 phòng học mái tranh vách nứa được dựng tạm lên. Điều đáng nhớ nhất có lẽ là vấn đề nhận thức về việc học tập của người dân khi ấy vẫn còn rất đơn giản. Thích thì đi học, không thích thì ở nhà lên nương. Những ngày đầu ấy, mặc dù phải đi vận động vất vả nhưng các thầy, cô giáo chỉ có gần chục học sinh đến lớp. Ban ngày đứng lớp, ban đêm, những giáo viên cắm bản lại phải phân công nhau đi đến từng hộ vận động cho trẻ đi học.

Rồi mọi khó khăn cũng dần qua đi, quyết tâm của những người dạy chữ đã “chinh phục” được đồng bào. Cô giáo Loan cho hay: “Đến giờ thì nhận thức của người dân về cái chữ cho con em đã khác xưa nhiều lắm. Gần 100 trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường”.