Thực sự, trung vệ Quế Ngọc Hải là một cầu thủ rất lành tính và đàng hoàng. Nó không chỉ toát lên từ gương mặt hiền hậu của Hải, điều trái ngược hoàn toàn với sự hầm hố thường thấy của những cầu thủ đá phòng ngự. Điều đó cũng ít nhiều được được thể hiện qua việc Hải được nhiều đồng đội ở các cấp độ đội tuyển quốc gia yêu mến và cũng trao cho anh tấm băng thủ quân U23 Việt Nam.
Ngọc Hải vốn là người lành tính, rất hòa đồng và vui vẻ với mọi người. Ảnh: Vnexpress.
Nói về pha bóng đó, Ngọc Hải cũng tỏ ra hối hận và khẳng định anh chỉ thi đấu máu lửa chứ chưa bao giờ có ý đá xấu, triệt hạ đồng nghiệp của mình cả. Và với tính cách của Hải, nhiều người cũng tin rằng anh không ác ý. Nhưng vẫn là câu hỏi cảm thán của ông Bùi Xuân Hòa, vì sao một cầu thủ có khuôn mặt hiền lành như Ngọc Hải lại có pha vào bóng ác quá?
“Cái ác” trong pha bóng đó không phải là chủ ý của Hải nhưng nó đã trở thành bản năng chơi bóng chăng? Thực ra có lẽ chẳng cầu thủ nào bước vào sân với tâm lý triệt hạ đồng nghiệp cả. Họ chỉ “vô tình” làm điều đó khi tính cạnh tranh cộng hưởng với sự quyết liệt trên sân chi phối hành vi. Khi đó thì khả năng tự điều chỉnh của cầu thủ là rất quan trọng, nhưng khi những cú tắc bóng bằng 2 chân đã biến thành bản năng thì không còn một cái phanh nào hãm họ lại.
Thật trùng hợp là các pha bóng như thế dường như đã trở thành “thương hiệu” của lò SLNA. Bản năng đó hình thành từ lối chơi “chém đinh chặt sắt” nhiều năm được ngụy biện bằng sự nhiệt tình máu lửa vốn là đặc trưng của những cầu thủ phòng ngự SLNA. Và trong một vài tình huống cụ thể, nó như phản xạ không điều kiện biến các cầu thủ thành “đao phủ bất đắc dĩ” với chính các đồng nghiệp của mình.
Và rồi một cầu thủ hiền hậu, lành tính như Ngọc Hải hoàn toàn có thể trở thành một “kẻ đồ tể” trong một pha bóng nhất định khi anh chỉ vào bóng theo bản năng.