Trong buổi tiếp báo chí vào sáng 16.9, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý Hệ thống thoát nước - Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM khẳng định: “Đến năm 2020, nếu chúng ta thực hiện xong các kế hoạch 1547 và 752, và tình hình nằm trong quy định thiết kế tính tới giai đoạn đó thì thành phố sẽ không còn cảnh ngập nước nữa”.
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý Hệ thống thoát nước - Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM.
Tuy nhiên, “nếu sau năm 2020 mà triều cường hoặc lượng mưa vượt quá dự báo thì thành phố vẫn có khả năng bị ngập”, ông Long nói thêm. Mặc dù chưa đưa ra được công suất cụ thể của hệ thống thoát nước mới, nhưng ông Long cho biết cả triều và lượng mưa đều sẽ cao hơn hệ thống cũ (hệ thống hiện tại có công suất triều 1,32m và lượng mưa 85,36mm).
Clip: Gần 1 ngày sau trận mưa lịch sử, TP.HCM vẫn chìm trong "biển nước"
Theo ông Long, một trong những yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả của hệ thống thoát nước sau năm 2020 chính là tình hình biến đổi khí hậu. Theo đó, ông Long cho biết: “Các thông số kế thiết kế này được lấy từ các nghiên cứu, dự báo của các nhà khoa học”.
“Biến đổi khí hậu chỉ mới xuất hiện gần đây, khoảng năm 2005. Còn quy hoạch của mình đã thực hiện từ trước trước năm 2000. Với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay thì ảnh hưởng tới cả thế giới chứ không chỉ riêng gì Việt Nam. Những đơn vị dự báo phải có nghiên cứu sâu hơn để dự báo thời tiết trong thời gian tới”, ông Long nói.
Báo cáo lượng mưa và tình hình ngập nước tại 66 điểm ngập tại TP.HCM vào chiều tối 15.9.
Về căn cứ xác định điểm ngập hay không ngập, ông Long chia sẻ, điểm ngập là nơi có diện tích từ 2.000 mét vuông, ngập sâu từ 0,1m trở lên và thời gian rút quá 30 phút.
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM, cơn mưa vào chiều 15.9 đã gây ngập ở 66 điểm. Tuy nhiên, khác với ghi nhận của phóng viên, báo cáo cho biết điểm ngập sâu nhất chỉ là 0,5m (ở đường Quốc Hương và Kinh Dương Vương), trong khi ở một số nơi nước ngập quá yên xe máy.
Giải thích cho điều này, ông Long nói: “Mặt đường chia làm 4 phần. Để đo độ sâu ngập nước, không thể đo ở giữa đường và cũng không đo ở lề đường, mà sẽ đo ở 1/4 làn đường, đó là về chiều rộng. Còn theo chiều dài, không thể đo ở vị trí ngập sâu nhất mà sẽ lấy mức trung bình của điểm ngập sâu nhất và cạn nhất”.
Cũng trong buổi trao đổi với báo chí, ông Long lý giải việc TP.HCM bị ngập nặng vào chiều 15.9 là do cả triều và lượng mưa đều vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước. Cụ thể, đỉnh triều đã đạt 1,4m vượt quá công suất thiết kế ban đầu là 1,32m, và lượng mưa có nơi lên đến 142mm vượt quá công suất thiết kế 85,36mm.