Dân Việt

Sôi động huấn luyện dân quân biển

28/06/2011 20:30 GMT+7
(Dân Việt) - Lực lượng dân quân biển của huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đang náo nức bước vào mùa huấn luyện. Họ đang tiếp nối truyền thống oai hùng giữ làng, giữ biển của lớp cha anh thời chống Mỹ...

Ngoài lực lượng dân quân biển, 70.000 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi trong đội hình đánh bắt xa bờ đều trở thành tai mắt giữ biển, trong nhiều năm qua, các ngư dân này chính là cầu nối về tình hình trên biển với đất liền.

“Tai mắt” ngoài khơi

Trong số anh em dân quân biển của 7 xã ở Bình Sơn, ai là ngư dân nhiều năm quen với sóng gió nhất? Nghe tôi hỏi vui vậy, nhiều chiến sĩ sao vuông rộn rã: “Chúng tôi đều là dân biển chuyên nghiệp, ngụp lặn và bơi như rái cá. Nếu anh chở anh em tôi thả ra tuốt ngoài cửa biển Sa Kỳ, một chặp sau là cả nhóm bơi vô bờ đầy đủ, không thiếu một ai”. Quen với sông nước từ lúc mới học lớp 3 lớp 4, các ngư dân này ngụp lặn trên biển giỏi như Yết Kiêu xưa.

Ngư dân thường ăn sóng nói gió. Vậy mà tập trung huấn luyện và duy trì chế độ như tân binh trong thời gian 3 tháng quân trường, họ đều đã quen và giữ được tác phong của nhà binh: Hô nghiêm, chào dứt khoát, khi có lệnh thì lập tức 2 bước đi, 4 bước chạy...

Theo tìm hiểu chúng tôi, trong số anh em dân quân biển, có nhiều người từng nhiều năm lăn lộn trên khắp các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cả ngày lẫn đêm, họ vừa mưu sinh với biển cả, vừa căng mắt để bảo vệ biển đảo. Bình thường, trông họ như bao ngư dân khác – đó là nước da cháy nắng, quần áo lấm lem và thấm hơi mặn của nước biển, nhưng nếu có biến cố xuất hiện, họ phản ứng ngay tức thì...

Dáng người thấp đậm, khuôn mặt hiền lành, thực hiện các động tác huấn luyện thành thạo như một người lính chiến, ngư dân Bùi Quang Tuyến (37 tuổi) quê ở xã Bình Thuận nói về bề dày trong lực lượng dân quân biển của mình: “Tôi đã tham gia vào lực lượng dân quân biển được 15 năm. Nhà ở sát biển, công việc hàng ngày của tôi là đi biển. Kinh nghiệm nhiều năm vẫy vùng sóng nước, vì vậy, tôi có thể nắm chắc được mọi tình hình trong tọa độ đang đánh bắt”.

Sau những ngày đi biển, trở về nhà, anh và các anh em khác lại tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự của địa phương.

Chắc tay chèo, vững tay súng

Sau mỗi đợt huấn luyện tập trung, môn kiểm tra cuối cùng bao giờ cũng là bắn đạn thật trên biển. Khi chúng tôi đến, trên bãi cát nắng cháy, những chiến sĩ sao vuông chờ đợi ở tuyến nhận đạn nóng lòng chờ đến lượt. Tại tuyến bắn, những khẩu AR 15 trong tay họ rung lên, xả những loạt đạn căng về phía những tấm bia đang di động trên mặt biển. Khói thuốc súng khét lẹt trong cái nắng hầm hập của biển. Đã quen với tay súng tay chèo, khi các ngư dân này xiết cò, đạn đều xuyên thủng bia, găm xuống mặt biển khiến nước bắn tung tóe.

Khác với lực lượng dân quân tuyến bờ, dân quân biển phải học các nội dung có liên quan về Luật Biển quốc tế. Bởi việc áp dụng luật pháp trên biển hoàn toàn khác với đất liền và khác nhau ở từng tuyến.

Trung tá Đoàn Phương Quang – Phó chỉ huy, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Bình Sơn, trực tiếp chỉ đạo buổi bắn đạn thật, cho biết: “Ngoài học tập về chiến thuật bộ binh, chúng tôi còn tập trung huấn luyện cho anh em dân quân các nội dung hiệp định về phân định trên biển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực; thực hiện quan sát, phát hiện tàu lạ và chế độ báo cáo...”.

Mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt trẻ trung của ngư dân Bùi Hữu Quân (24 tuổi), ở xóm Tây Đường, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, tâm sự: “Nếu anh xuống quê chắc khó gặp em lắm. Đi biển hàng chục ngày, vô bờ vài bữa lại đi biển. Cả năm em ăn nằm miết ngoài biển, vừa đánh bắt vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biển”... Câu chuyện của Quân bị cắt ngang bởi tiếng loa gọi Bùi Hữu Quân, vào vị trí xuất phát. “Học liên tục mấy bữa, hôm nay em phải diệt mục tiêu này” – Quân mỉm cười tự tin và lao người về phía ụ bắn.