Dân Việt

Không thể để xảy ra sai lầm về đường lối, chủ trương

Đức Hiếu (thực hiện) 17/09/2015 06:37 GMT+7
“Nếu trong báo cáo tại Đại hội Đảng lần thứ XI, mục tiêu của chúng ta là phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì dự thảo báo cáo lần này nêu rõ là xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là sự điều chỉnh phù hợp bắt nguồn từ thực tiễn của đổi mới”.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc (ảnh) - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá về bản dự thảo Báo cáo chính trị của Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XI.

Nhiều sự điều chỉnh phù hợp

 Ông đánh giá thế nào về dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI dự kiến trình ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng?

img

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ 16, nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: TTXVN

- Thứ nhất, tôi cho rằng cần nhận thức rõ hơn chủ đề của Báo cáo chính trị này bởi chủ đề của báo cáo cũng chính là chủ đề của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tôi đã nghiên cứu kỹ dự thảo và nhận thấy có nhiều điểm quan trọng cần lưu ý.

Nếu như tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, chủ đề của báo cáo là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng thì dự thảo báo cáo tại Đại hội lần thứ XII lại nhấn mạnh vào công tác xây dựng Đảng.

Đây chính là vấn đề then chốt, là cái gốc trong công tác lãnh đạo của Đảng bởi muốn làm gì thì cũng phải bắt đầu từ xây dựng Đảng.

Bên cạnh đó, trong báo cáo của Đại hội Đảng lần thứ XI có yêu cầu phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thì báo cáo lần này cũng vậy nhưng gắn với dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đây là điều cần nhấn mạnh bởi chúng ta cần thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa tốt hơn, hiệu quả hơn, khắc phục tính hình thức.

Ngoài ra, báo cáo có những điểm mới khác như đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN và điều chỉnh mục tiêu. Nếu tại Đại hội Đảng lần thứ XI, mục tiêu của chúng ta là phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì báo cáo này nêu rõ là xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là sự điều chỉnh phù hợp bắt nguồn từ thực tiễn của đổi mới. 

Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016), có nhiều vấn đề được đặt ra như tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tình hình căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông… Theo ông, đánh giá này đã đúng và trúng vào những vấn đề quan trọng?

- Tôi thấy dự thảo đã nếu đúng và đây chính là sự kế tiếp của Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4. Trong dự thảo báo cáo chính trị lần này, có một số vấn đề lớn cần đề cập. Đầu tiên là về kinh tế. Trong kinh tế, điểm dễ nhận thấy nhất là thành tựu nước ta vượt ra khỏi khủng hoảng, trở thành nước đang phát triển, vận hành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, trong đánh giá về chính trị, điểm nhấn cần chú ý là việc xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và hoàn thiện hệ thống chính trị. Đánh giá như dự thảo là rất rõ ràng, nhưng cần chú trọng hơn nữa đến xây dựng Đảng. Bởi trong xây dựng Đảng, có nhiều thành tựu rất rõ ràng, nổi bật song vẫn có một hạn chế là suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ, cán bộ, đảng viên như Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 đã nhận định. Vấn đề này cùng với tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn chưa được đẩy lùi. 

Thứ ba, bên cạnh những vấn đề về chính sách, an sinh xã hội được cải thiện thì vẫn còn nhiều bức xúc tồn tại như tệ nạn xã hội còn nhiều, tội phạm xã hội gia tăng kèm theo sự xuống cấp đề đạo đức, lối sống, phân hóa giàu nghèo còn nặng… Những vấn đề này cần được nhìn nhận thẳng thắn, cụ thể để có biện pháp khắc phục. Điểm mấu chốt là cần thống nhất nhận thức trong đánh giá về yếu kém, hạn chế bởi đánh giá là để tìm giải pháp chứ không phải để phê phán.

Kiện toàn tổ chức của Đảng để vận hành tốt

Theo ông, về công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đâu là yếu tố tiên quyết?

img

 " Nếu cương lĩnh, đường lối tốt, chính sách, chủ trương phù hợp, quyết định đúng đắn thì sẽ đạt được thành công, còn không thì vô cùng nguy hiểm. Sai lầm về đường lối là nguy cơ lớn của một Đảng cầm quyền nên phải hết sức chú ý trong lãnh đạo, từ đó rèn luyện bản lĩnh chính trị của Đảng và mỗi đảng viên cũng như từng tổ chức đảng”.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc

- Điểm quan trọng là phải chú ý đến quan điểm: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh chính là để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Xây dựng Đảng là để đạt tới cái đích lãnh đạo tốt hơn nên điểm cần chú ý là phải hoàn thiện đường lối, cương lĩnh để cụ thể hóa đường lối đổi mới, phát triển đường lối đổi mới cho tốt. Bởi nếu cương lĩnh, đường lối tốt, chính sách, chủ trương phù hợp, quyết định đúng đắn thì sẽ đạt được thành công, còn không thì vô cùng nguy hiểm. Sai lầm về đường lối là nguy cơ lớn của một Đảng cầm quyền nên phải hết sức chú ý trong lãnh đạo, từ đó rèn luyện bản lĩnh chính trị của Đảng và mỗi đảng viên cũng như từng tổ chức đảng.

Bên cạnh đó, muốn lãnh đạo đất nước tốt thì cần có lý luận tốt. Bởi thế nên trong xây dựng Đảng phải hết sức coi trọng, nâng cao trí tuệ, lý luận của Đảng vì đây chính là cơ sở khoa học để có đường lối đúng. Tiếp đó là cần kiện toàn tổ chức của Đảng để vận hành tốt, nếu còn nặng nề, cồng kềnh thì năng lực lãnh đạo của Đảng sẽ bị hạn chế. Ngoài ra, cần lựa chọn cán bộ tốt và phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Phương thức chính là hình thức, phương pháp, là chủ thể lãnh đạo tác động vào đối tượng lãnh đạo để đạt mục tiêu chính trị. Chú trọng xây dựng Đảng chính là để đạt được sứ mệnh, trách nhiệm lãnh đạo thật tốt.

Nhưng việc xây dựng Đảng cũng phải gắn liền với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân?

- Đúng và đây là chủ đề quan trọng của đại hội sắp tới. Nhấn mạnh dân chủ xã hội chủ nghĩa cần chú ý là cả dân chủ trong Đảng và dân chủ ngoài xã hội. Dân chủ trong Đảng thực chất là thực hiện đúng căn dặn của Bác Hồ: “Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng”. Thực hiện điều này cần phát huy trí tuệ của đông đảo cán bộ, đảng viên trong Đảng. Dân chủ trong Đảng tốt sẽ lựa chọn được cán bộ tốt, tăng cường đoàn kết trong nội bộ Đảng, tránh hiện tượng phe cánh, lợi ích nhóm. Dân chủ xã hội chủ nghĩa nếu phát huy tốt theo đúng bản chất của chế độ sẽ tạo ra sức mạnh đoàn kết dân tộc.

15 gợi ý một số nội dung trong dự thảo để lấy ý kiến nhân dân đã đề cập đầy đủ những vấn đề cần quan tâm trong thời điểm hiện nay chưa, thưa ông?

- Tôi thấy rằng, 15 vấn đề được đặt ra đã đề cập toàn diện và cũng là các vấn đề bức thiết trong xã hội. Đây không chỉ là vấn đề của đổi mới mà còn là vấn đề trong xây dựng CNXH. Theo tôi, đặt ra các vấn đề tuy mang tính độc lập nhưng đều có quan hệ mật thiết với nhau. Những vấn đề này được tách ra để nhìn nhận, đánh giá, nghiên cứu và tiếp cận cụ thể song đều là vấn đề lớn của đổi mới, phát triển đất nước và có mối quan hệ biện chứng với nhau, chi phối lẫn nhau nên dự thảo cũng nhấn mạnh là phải xử lý đồng bộ. Nếu không đồng bộ, chỉ một khâu, một vấn đề kém thì khó làm tốt những vấn đề khác.

Xin cảm ơn PGS!

Làm rõ các khái niệm then chốt

Dự thảo Báo cáo chính trị tiếp tục nhấn mạnh về việc “Tiếp tục thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, nội dung báo cáo chưa làm rõ được nội hàm khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì. Có phải đó là sự can thiệp của Nhà nước nhằm khắc phục những khiếm khuyết của cơ chế thị trường hay không. Ngoài ra, cũng chưa rõ khái niệm “nền kinh tế thị trường hiện đại” có khác gì so với nền kinh tế thị trường thông thường? Liệu nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang hướng tới có đặc điểm gì khác biệt với “nền kinh tế hiện đại”. Tôi cho rằng chỉ cần đưa ra định hướng xây dựng nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường đầy đủ và quy định rõ về việc Nhà nước can thiệp ở mức độ nào cho phù hợp.

Điểm quan trọng nữa nếu tiếp tục coi “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” sẽ mâu thuẫn với phương hướng nhằm đảm bảo “các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng”. Đề nghị nên bỏ đoạn” kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” mà chỉ cần đảm bảo các thành phần kinh tế hoạt động bình đẳng là đủ.

TS Đặng Đức Anh Trưởng ban Phân tích và Dự báo- Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia