Dân Việt

Cần kiểm soát tài sản của người có chức vụ

Lương Kết (thực hiện) 24/09/2015 13:21 GMT+7
Ngày 16.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng 2015 của Chính phủ. Xung quanh nội dung này, PV NTNN đã trao đổi với TS Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội – cơ quan thẩm tra báo cáo.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy số vụ phát hiện tham nhũng qua các năm giảm, nhưng tình hình tham nhũng vẫn phức tạp. Đây có phải là điều đáng lo ngại không, thưa ông?

- Tôi cho rằng Chính phủ phải giải trình, phân tích thêm về các nguyên nhân. Chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, các biện pháp phát hiện, xử lý cũng làm quyết liệt nhưng số vụ tham nhũng phát hiện qua các năm lại ít đi. Chính phủ cần phải có giải trình rõ thêm tại sao lại như thế.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, có hơn 1.200 người thuộc diện kê khai tài sản phải xác minh nhưng chỉ phát hiện 5 người kê khai không trung thực. Ông đánh giá sao về hiệu quả của việc kê khai tài sản?

img- Kê khai tài sản hiệu quả vẫn thấp và nó chỉ là một góc độ của kiểm soát tài sản. Muốn kiểm soát tài sản hiệu quả còn nhiều việc phải làm. Việc kê khai tài sản hiện nay chủ yếu mới dựa vào tính tự giác của người phải kê khai, chỉ khi nào có nghi ngờ mới xác minh lại. Thế nhưng việc xác minh tài sản đâu phải việc đơn giản. Tôi chỉ ví dụ như trường hợp người dân tranh chấp tài sản phải ra tòa giải quyết, tòa muốn xét xử phải đi xác minh tài sản của hai bên, có khi nhiều năm mới xét xử xong.

Nói như thế để thấy việc các cơ quan chức năng xác minh tài sản của cán bộ, công chức để xem họ có kê khai trung thực không cũng rất khó, bởi tất cả tài sản của mọi người hiện nay không có đăng ký gì, của bố đưa cho con, con lại đưa cho cháu, cháu lại chuyển cho chắt... Việc người nọ chuyển cho người kia làm sao xác minh? Chính vì thế khả năng đi kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước xem tài sản của người phải kê khai có kê khai trung thực hay không là bất khả thi. Thứ hai, đội ngũ cán bộ đi xác minh tài sản cũng không phải chuyên trách làm việc này, trừ các cơ quan điều tra. Trong khi đó, cơ quan điều tra chỉ khi có dấu hiệu tội phạm mới vào cuộc.

Theo ông, tới đây khi Quốc hội tiến hành sửa Luật Phòng, chống tham nhũng cần phải bổ sung thêm quy định gì để việc phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn?

- Biện pháp quan trọng nhất để phòng, chống tham nhũng là phải có một đề án kiểm soát tài sản của toàn xã hội, trong đó có cán bộ công chức và người có chức vụ quyền hạn. Tôi và Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cùng nói chỉ có giải pháp đó thì việc phòng, chống tham nhũng mới hiệu quả.

Nếu chỉ kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức mà không kiểm soát tài sản của những đối tượng khác trong xã hội thì tài sản tham nhũng cứ chạy vòng quanh, không làm sao nắm được. Khi kiểm soát được tài sản của toàn xã hội, Nhà nước không chỉ chống được nạn tham nhũng mà còn chống được việc rửa tiền, gian lận thương mại, cho vay nặng lãi, trốn trách nhiệm thi hành án... Đây là biện pháp mà các nước đã làm, chúng ta cũng phải tập trung làm. Kinh nghiệm từ nhiều nước là tài sản của người này không thể đưa cho người kia vì người ta kiểm soát được hết tài sản của toàn xã hội.

Đây là đề án khó, muốn thực hiện phải cần thời gian dài, thưa ông?

- Đúng là để làm việc này rất là khó, trước hết cần có đề án và phải làm đồng bộ, làm dần dần, vì khó có thể phải làm lâu dài trong 5 -10 năm, nhưng nếu không bắt tay vào làm thì chẳng bao giờ làm được.

Xin cảm ơn ông!