Chơi để tận hưởng
Bắt đầu xuất hiện như một hiện tượng vào năm 2013, HPL năm nay đã vào tuổi lên 3. Nhưng ngay từ những bước chập chững đầu tiên, sân chơi này đã nhận được sự cổ vũ nhiệt thành từ đông đảo người hâm mộ. Ai bảo người Hà Nội có quá nhiều thú vui giải trí mà quên đi bóng đá, khi các sân từ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ câu lạc bộ Hà Nội rồi tới sân Bộ Công an và mùa này là sân Học viện An ninh (C500) luôn chật kín cổ động viên? Với tất cả nỗ lực của mình, Ban tổ chức HPL luôn cố gắng tìm những sân thi đấu tốt nhất và có sức chứa lớn hơn các mùa trước đó, nhưng thực tế vẫn không thể đáp ứng nổi nhu cầu của người hâm mộ.
Rất đông cổ động viên tới sân cổ vũ cho các cầu thủ thi đấu tại giải HPL.
Theo ghi nhận của NTNN, sân C500 có khoảng 4.000 chỗ ngồi cộng thêm khoảng 1.000 chỗ “dã chiến” (ghế nhựa, ghế inox) được Ban tổ chức sắp xếp mà vẫn không chịu nổi “nhiệt”. Hai vòng đấu đầu tiên đã đi qua, Ban tổ chức một lần nữa phải chấp nhận thực trạng cổ động viên tràn ra ngồi sát đường piste để xem thi đấu. “Từ lâu tôi không xem V.League trên truyền hình, chứ đừng nói tới chuyện tới sân. Lý do ư? Đơn giản thôi, xem các cầu thủ mang tiếng chuyên nghiệp mà đá “giả”, khô khan quá, không “thật”, gần gũi và đầy cảm xúc với chúng tôi như bóng đá phủi” - anh Dương Ngọc Hoan (34 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
Dưới góc nhìn của một người từng tham dự giải “phủi” trong màu áo FC Văn Minh (Nghệ An), cựu tuyển thủ Quốc Vượng bày tỏ: “Đây là sân chơi tuyệt vời cho những người dành trọn tình yêu cho bóng đá nhưng vì lý do nào đó không thể đi theo con đường chuyên nghiệp. Ai bước vào sân luôn cố gắng phô diễn hết những phẩm chất tốt nhất trước khán giả và cũng để thỏa mãn “cơn nghiền” của chính mình. Nhờ “sân phủi”, bản thân tôi cũng cảm thấy đỡ hụt hẫng rất nhiều sau cú ngã cuộc đời”.
“Cứu” lấy những đam mê
Theo Quốc Vượng, gần như không thể mong chờ phát hiện tài năng bóng đá ở giải “bán chuyên nghiệp” như HPL: “Mọi người dự giải đã hình thành kỹ năng chơi bóng và cũng có tuổi rồi. Đa phần đều đã tập luyện ở các đội trẻ chuyên nghiệp nhưng vì nhiều lý do mà không thể đi đến cùng, gắn mình với sự nghiệp quần đùi áo số. Với tôi, HPL thật đúng với slogan “Chơi có ý thức, chơi để tận hưởng”. Vượt qua những giới hạn chuyên môn đơn thuần, đó là nơi để cầu thủ chuyên nghiệp và nghiệp dư gần nhau hơn và gần những cổ động viên, những người bạn của mình hơn. Đó là nơi duy trì ngọn lửa đam mê bóng đá” - Quốc Vượng nói thêm.
Chia sẻ vơi suy nghĩ của Quốc Vượng, cựu huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Phan Thanh Hùng (hiện dẫn dắt Hà Nội T&T) tâm sự: “Hễ có thời gian rảnh là tôi lại ra sân xem giải “phủi”. Chất lượng kỹ thuật, thể lực, tính chất đối kháng… của giải là rất ổn. Tôi cũng đồng ý cho các cầu thủ của mình như Thành Lương, Ngọc Duy, Quốc Long khoác áo một số đội “phủi”. Có những kỹ năng, những đòn độc mà chỉ sân “phủi” mới có. Ngược lại, cầu thủ phong trào cũng học tập được nhiều từ cầu thủ chuyên nghiệp về tư duy, chiến thuật...”.
Ông Hùng cũng cho rằng các HLV chuyên nghiệp cũng nên đi tới những giải “phủi” để “cứu” những niềm đam mê: “Thực tế có những cầu thủ trưởng thành từ bóng đá phủi như hậu vệ Nguyễn Xuân Tú (Hà Nội T&T), tiền vệ Nghiêm Xuân Tú (đã ghi 6 bàn thắng cho Than Quảng Ninh) khi được tạo cơ hội đều đã thể hiện được mình ở V.League. Các em còn đủ sức để chơi bóng đá chuyên nghiệp, dù có thể không trở thành một ngôi sao hay tuyển thủ gì cả nhưng được chơi chuyên nghiệp ngày nào đã là một cơ hội, một sự thừa nhận năng lực của các em”.
Ông Nguyễn Xuân Gụ - Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông VFF cho hay: “Chứng kiến HPL ngày một phát triển, có sức lan tỏa tích cực trong xã hội, chúng tôi thực sự khâm phục và trân trọng tâm huyết của Ban tổ chức giải. VFF cam kết song hành và tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển giải đấu này”. |