SXH thường bị chẩn đoán nhầm sang sốt virus, sốt phát ban, gây chậm chễ cho việc điều trị, nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các bệnh viện khẩn trương triển khai tập huấn "Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue" đối với bác sỹ và điều dưỡng tham gia công tác khám, điều trị sốt xuất huyết Dengue tại khoa Khám bệnh, khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Nhi, khoa Truyền nhiễm... của tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do đơn vị quản lý (công lập và tư nhân).
Bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư
Củng cố và duy trì hoạt động của các “Nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Các đơn vị phải bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc phải là HES 200 6% (trọng lượng phân tử 200.000 dalton).
Các Sở Y tế cũng cần tập huấn chuyên sâu về chuẩn đoán SXH cho cán bộ y tế, đặc biệt là hồi sức SXH thể nặng. Đối với các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống điều trị sốt xuất huyết Dengue gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào các nhiệm vụ tuyến cuối đã được Bộ Y tế giao phải tích cực, chủ động trong công tác tập huấn, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới theo khu vực đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phân công. Tổng hợp các trường hợp tử vong, phân tích nguyên nhân tử vong, tổ chức rút kinh nghiệm và phổ biến kịp thời nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.