Dân Việt

Nỗi buồn ở trại phong: “Chúng tôi thèm lắm một lần được ẵm con”

Minh Hà 17/09/2015 16:10 GMT+7
Họ gặp nhau trong trại phong rồi nên vợ nên chồng. Từ ngày đi biệt xứ, họ chính là người thân duy nhất của nhau trong cuộc đời này…

“Rổ rá cạp lại” trong trại phong

trại phong Quả Cảm (Yên Phong, Bắc Ninh)  hơn nửa đời người, đến nay ông Phùng Văn Túc, 85 tuổi, quê Hải Phòng cũng chẳng còn nhớ địa chỉ quê hương. Từ ngày vào đây ở, ông chỉ có người thân duy nhất đó là vợ mình – bà Nguyễn Thị Phú, hơn ông 10 tuổi.

Khuôn mặt nhăn nheo, ánh mắt buồn tủi, ông kể về cuộc đời bằng giọng đầy chua chát.

25 tuổi, ông Túc lấy vợ. Được vài tháng thì phát bệnh. Cầm kết quả khám trên tay, cả nhà “chết đứng”. Khi ấy, không ai tin được rằng, chàng trai cao lớn, khỏe mạnh và hoạt bát ấy lại mắc căn bệnh “ma ám”.

img

Ông Túc đang kể lại câu chuyện về cuộc đời mình

“Đêm hôm đó đi khám về, tôi cầm tay vợ mình nói: “Anh bị bệnh, em có thể đi lấy chồng khác”. Lúc đó, cô ấy khóc. Tôi những tưởng cô ấy sẽ ở lại. Sáng hôm sau cô ấy bỏ về nhà ngoại mà không mang theo bất cứ thứ gì, chắc sợ lây bệnh. Rồi tròn 1 tháng sau, cô ấy lấy người khác, ở ngay xã bên”, ông Túc kể.

Ông bảo, ông chẳng có quyền gì trách móc vợ mình. Càng may hơn khi giữa họ không có mối ràng buộc nào khác.

Ông ở nhà 1 năm. Khoảng thời gian đó, ông giống như “cục nợ” trong gia đình.

“Chị dâu tôi chia bát, chia đũa rồi dọn một phòng bếp dưới cho tôi ở. Mỗi lần đến bữa cơm, tôi sẽ được sắp một phần thức ăn riêng và ăn một mình dưới bếp. Hàng xóm, họ hàng chẳng ai dám đến nhà tôi chơi”, ông Túc buồn rầu kể.

Sau đó, ông được chuyển đi điều trị bệnh. Đến trại phong Quả Cảm, Bắc Ninh, ông gặp bà Phú – cũng ở hoàn cảnh giống ông. Đồng cảm trước hoàn cảnh của nhau, họ dọn về ở chung một phòng để chia sẻ những khó khăn.

Ông kể, bà cũng có một đời chồng và cũng không có đứa con nào. Ở quê, vợ ông cũng có nhà, có đất. Nhưng bà không sống được trước những gièm pha của miệng đời nên đành bỏ đi. Đến đây, gặp ông rồi, bà nhường hết tài sản cho các cháu.

“Bà ấy thương các cháu như con. Nhưng có mấy khi chúng đến thăm. Chắc đôi năm một lần. Dù quê ở xa, nhưng chúng đến vội vàng trong giây lát. Hình như chưa bao giờ những đứa cháu này ở lại ăn cùng chúng tôi một bữa cơm. Chắc là chúng sợ…”, ông kể.

Thèm…một đứa con

Hai ông bà nương tựa nhau sống qua ngày. Họ cũng mong có một mụn con để vui cửa, vui nhà. Nhưng năm này, qua năm khác, rồi hết tuổi xuân nhưng mong muốn của ông bà chẳng được “trời thương”.  

“Nhiều đêm bà ấy khóc hờ. Tôi thương quá chừng. Giá như chúng tôi lành lặn và có chút tiền đi khám bệnh thì biết đâu chúng tôi cũng có một mụn con. Chúng tôi thèm được một lần ẵm con, bế bồng quá…”

img

Dù người đối diện nói to thế nào, bà Phú cũng không nghe được.

Đôi khi nghe tiếng trẻ con hàng  xóm bi bô, ông bà lại chạnh lòng. Ông bảo, dường như mọi bất hạnh trong cuộc đời này đều rơi hết vào họ. Không tương lai, không con cái, không sức khỏe…

Cuộc sống cứ thế trôi đi, họ sống trong lặng lẽ. Ông bà ngày càng già yếu. Căn phòng nhỏ ngày càng ít tiếng hơn, bởi tai bà ngày càng khó nghe. Mỗi lần nói chuyện, người đối diện phải hét lớn bà mới nghe bập bõm. Chính bởi thế, ông bà giao tiếp với nhau bằng hành động mà chỉ họ mới hiểu được.

“Bà ấy giờ đã 95 tuổi, tai không nghe được và đau yếu thường xuyên. Chúng tôi cứ đùa nhau rằng, ai mất sớm hơn là điều hạnh phúc. Bởi nếu một mình ở lại, chắc chết vì buồn, vì cô đơn. Chúng tôi là người thân duy nhất của nhau trong cuộc đời này…”, ông nói.

Hỏi ông có muốn về thăm quê không, ông thở dài lắc đầu: “Tôi chẳng muốn về. Mà hình như tôi cũng chẳng nhớ đường về nhà nữa. Vì đã hơn nửa đời người rồi. Có chết, tôi cũng muốn ở lại đây”.