Dân Việt

Kỹ sư mê cá vược

28/06/2011 07:25 GMT+7
(Dân Việt) - Mỗi lần thất bại, anh Vũ Văn Dưỡng đúc rút một bài học cho riêng mình. Đến nay, kỹ thuật ương cá của anh cho tỷ lệ sống trên 90% (kỹ thuật chung chỉ đạt từ 60-80%).

Xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, Thái Bình có tiềm năng nuôi thủy sản nhờ diện tích mặt nước đầm bãi ven sông lớn, nhưng người dân chỉ nuôi trồng theo hình thức quảng canh. Giai đoạn 1995-2000, một số hộ đầu tư nuôi tôm sú, ban đầu thu nhập cao, nhưng sau phá sản. Nguyên nhân do chất lượng con giống kém, môi trường nước suy thoái, dịch bệnh... Những cánh đầm trở nên hoang hóa.

Từ khi ngồi trên ghế giảng đường Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, anh Vũ Văn Dưỡng nghiên cứu thấy thủy vực tại quê mình phù hợp với điều kiện sinh sống của cá vược. Cầm tấm bằng đại học trong tay, anh hăm hở trở về quê hương với khát khao đem kiến thức đã học để khai phá khu đầm đang ngủ quên. Song lần nuôi thử nghiệm đầu tiên, đầm ương cá vược của anh chết trắng.

img

Anh Dưỡng và sản phẩm cá vược.

Mỗi lần thất bại, anh đúc rút một bài học cho riêng mình. Đến nay, kỹ thuật ương cá của anh cho tỷ lệ sống trên 90% (kỹ thuật chung chỉ đạt từ 60-80%).

Để tránh môi trường sinh thái bị ô nhiễm do cá vược nuôi thương phẩm, anh nghiên cứu "Quy trình kỹ thuật nuôi cá vược thương phẩm hình thức ghép 3 đối tượng trong môi trường nước lợ". Khắc phục nhược điểm lớn nhất của cá vược là chịu rét rất kém, anh và 2 người bạn bắt tay nghiên cứu "Quy trình lưu cá vược qua đông". Kết quả, tỷ lệ cá sống qua đông lên tới 95%.

Nhờ ứng dụng khoa học, doanh thu của Doanh nghiệp Thiên Liệu của anh Dưỡng đạt từ 3-3,5 tỷ đồng/năm, giá trị sản xuất đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm. Với 3 đề tài khoa học nuôi cá vược, anh đã đoạt giải Nhất cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Thái Bình năm 2009; Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo năm 2009 của T.Ư Đoàn TNCS HCM; Bằng Lao động sáng tạo năm 2010 của Tổng Liên đoàn Lao động VN tặng.

Năm 2011, anh được Trường Trung học Nông nghiệp Thái Bình mời làm giảng viên.