Báo cáo cho biết, tổng thu thuế và phí của nước ta chủ yếu từ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu. Trong đó tỷ trọng thuế thu nhập doanh nghiệp giảm dần từ 36% trong giai đoạn 2006 - 2008 xuống còn 28% trong giai đoạn 2009-2011.
Trong khi đó, tỷ trọng thu từ thuế giá trị gia tăng và thuế xuất nhập khẩu lại đang tăng nhanh: Từ 10,0% trong năm 2006 lên 18,4% trong năm 2009 và 14,5% trong năm 2010. Lý giải về điều này, báo cáo chỉ rõ một mặt cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của hoạt động thương mại quốc tế, mặt khác phản ánh mức độ bảo hộ thương mại cao của Việt Nam.
“Sự phụ thuộc lớn vào nguồn thuế này khi lộ trình cắt giảm thuế được thực hiện theo cam kết với WTO sẽ khiến cho mức độ thâm hụt ngân sách của Việt Nam có thể trầm trọng hơn trong những năm tới”- báo cáo nêu.
Đặc biệt, báo cáo chỉ rõ thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và đất đang có xu hướng ngày càng giảm dần, từ 9,3% năm 2007 xuống còn khoảng 6,6% trong năm 2011. Điều này, theo báo cáo, đồng nghĩa việc các tài sản loại này thuộc sở hữu nhà nước đang dần cạn. “Và đặc biệt, về bản chất, việc thu từ các nguồn này cũng giống như việc một cá nhân bán tài sản đi để chi tiêu”- báo cáo chỉ rõ.
Tương tự như vậy, báo cáo còn chỉ ra rằng: Thu từ việc khai thác dầu thô và các tài nguyên khác cũng có bản chất giống các khoản thu từ việc bán tài sản quốc gia và không bền vững do nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn. Cụ thể, thu từ dầu thô đã có tỷ trọng liên tục giảm những năm qua trong tổng thu ngân sách nhà nước. Khoản thu này từ chiếm tới 28,8% trong tổng thu ngân sách năm 2006 đã giảm xuống chỉ còn 11,6% năm 2011.
Sau khi đề cập các khoản thu nêu trên, báo cáo khẳng định: “Rõ ràng, tình trạng bội chi ngân sách khi đã trừ các khoản thu là rất nghiêm trọng, ngay cả khi Việt Nam hiện đang có tỷ lệ thu thuế và phí là rất cao so với các nước khác trong khu vực”.
Nguyên Khôi