Từ ngày 24-26.9 (tức 12-14.8 Âm lịch), tại thành phố Tuyên Quang sẽ diễn ra lễ hội Trung thu với chủ đề: “Lung linh sắc màu Đêm hội Thành Tuyên”. Đây là một hoạt động thường niên được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang từ năm 2004.
Điểm nhấn của sự kiện là màn rước những mô hình đèn Trung thu khổng lồ qua các tuyến phố. Lễ hội đã được sách kỉ lục Guiness Việt Nam xác nhận là lễ hội có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, Trưởng ban tổ chức lễ hội: Năm nay, dự kiến sẽ có từ 86 - 92 mô hình đèn trung thu của 7 xã, phường trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Lễ hội Thành Tuyên 2015 còn có sự tham gia rước đèn trung thu của 6 huyện khác trong tỉnh làm cho Lễ hội càng thêm phần đặc sắc, ý nghĩa.
Các mô hình đèn trung thu được xây dựng xuất phát từ biểu tượng trong các câu chuyện lịch sử, truyền thuyết dân gian và từ thực tiễn đời sống, lao động sản xuất của nhân dân trong từng giai đoạn lịch sử. Nhiều mô hình được ứng dụng khoa học công nghệ một cách sáng tạo, hiện đại mà vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.
Hiện tại, mô hình đèn rước của nhiều xã, phường, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Tuyên Quang đang gấp rút được hoàn thiện. Người dân cùng góp tiền, góp sức, góp ý tưởng để làm lên những mô hình đèn rước Trung thu độc, lạ trình diễn trong lễ hội sắp tới.
Các xã, phường, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và các huyện trong tỉnh đang trong quá trình hoàn thiện các mô hình đèn rước để tham dự Lễ hội Thành Tuyên 2015.
Tại thôn An Hòa 1 (xã An Tường, thành phố Tuyên Quang), các hộ dân đang tích cực làm mô hình đèn rước “Đóa Sen Dâng Bác”. Mô hình có tổng 24 cánh sen xếp thành 3 tầng nở ra cụp vào. Ảnh Bác Hồ cao 2,5m đặt phía sau đài sen. Tổng chi phí làm mô hình hết hơn 20 triệu đồng do người dân trong thôn tự nguyện đóng góp.
Ông Nguyễn Duy Tiến, Bí thư, trưởng thôn An Hòa 1, xã An Tường, TP.Tuyên Quang cho biết, đây là năm thứ 4 liên tiếp thôn An Lạc 1 tham dự lễ hội rước đèn trung thu. Năm nay, thôn chọn làm mô hình “Đóa Sen Dâng Bác” bởi hoa Sen là hiện thân cho tính cách, lối sống và tâm hồn người Việt. Những người lên ý tưởng cũng mong muốn gửi gắm đến mỗi người dân trong thôn luôn học tập, lao động sản xuất đạt nhiều thành tích, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc… như lời Bác Hồ đã từng dạy.
Lấy ý tưởng từ câu chuyện ngụ ngôn “Dê đen và dê trắng”, tổ 31 phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang đã xây dựng mô hình đèn trung thu với chủ đề “ Hai con dê qua cầu” trị giá hơn 30 triệu đồng. Ý nghĩa người dân gửi gắm qua mô hình là việc giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, đồng thời nhắc nhở về tình trạng mất an toàn khi tham gia giao thông hiện nay do ý thức của người đi đường.
Phần đa các xã, phường, tổ dân phố đều làm xe mô hình có lắp bánh lốp ô tô, khung sắt, sàn gỗ chắc chắn, có hệ thống điều khiển bằng tay, âm thanh, ánh sáng bắt mắt. Người dân cũng cam kết mô hình không sử dụng động cơ gắn máy gây nguy hiểm, mất trật tự an toàn giao thông.
Trong ảnh là mô hình đôi rồng khổng lồ dài hơn 20 mét với chi phí gần 50 triệu đồng của người dân tổ dân phố 12, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang.
Rồng được phủ một lớp sơn sặc sỡ bên ngoài.
Phần đầu của một con rồng đã hoàn thiện đang chờ lắp ghép vào phần thân.
Mô hình “Hai con dê qua cầu” trị giá hơn 30 triệu đồng của người dân tổ 31, phường Tân Quang.
Tại nhà văn hóa thôn Hưng Kiều 3, đèn rước hình Thánh Gióng cưỡi ngựa cơ bản đã hoàn thiện.
Thánh Gióng uy nghi, cưỡi ngựa, tay cầm thân tre. Mô hình lấy ý tưởng từ truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc bảo vệ bờ cõi.
Không khí làm mô hình đèn rước trung thu ở thôn An Hòa 1, xã An Tường, TP.Tuyên Quang đang diễn ra hết sức nhộn nhịp.
Mô hình đèn rước của thôn có tên gọi “Đóa Sen Dâng Bác”. Các thành viên trong thôn mỗi người một việc để hoàn thiện mô hình nhanh hơn.
Từng công đoạn, chi tiết được đo đạc và thực hiện tỉ mỉ.
Ngoài ra, để đảm bao an toàn phòng chống cháy nổ, công an TP. Tuyên Quang cũng đến từng phường, xã, tổ dân phố kiểm tra, nhắc nhở người dân, đồng thời hướng dẫn người dân cách sử dụng bình cứu hỏa khi gặp sự cố.