Đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong hội thảo góp ý Dự án Luật Phòng, chống khủng bố tại TP.HCM ngày 4.9.
Theo dự luật này, người chỉ huy chống khủng bố là người đứng đầu đơn vị chuyên trách chống khủng bố. Trường hợp khủng bố xảy ra nhưng chưa có người chỉ huy chống khủng bố thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi xảy ra khủng bố là người chỉ huy tạm. Lúc đó người chỉ huy được quyền bao vây, phong tỏa khu vực xảy ra khủng bố, giải cứu con tin, cấp cứu nạn nhân…
Nhiều ý kiến băn khoăn, khi nhà hát, rạp chiếu phim, sân vận động và các nơi sinh hoạt công cộng là mục tiêu của hoạt động khủng bố thì “người đứng đầu” được hiểu là ai: Thủ trưởng nhà hát, rạp chiếu phim… hay cấp trên của nơi đó? Luật cần quy định rõ chứ nếu không sẽ rất dễ dẫn đến áp dụng tùy tiện, mỗi nơi hiểu một cách và lỡ xảy ra sự cố trong “giải cứu con tin” thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm…
Theo Bộ Công an, mặc dù ở Việt Nam chưa xảy ra vụ khủng bố nào do các tổ chức quốc tế gây ra nhưng cơ quan an ninh đã phát hiện nhiều đối tượng khủng bố quốc tế xâm nhập. Từ năm 2000 đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra, xét xử 4 vụ âm mưu khủng bố với 49 bị cáo.
Trọng Mạnh