Dân Việt

Tan cửa, nát nhà vì “tín dụng đen”

Lương Kết (thực hiện) 21/09/2015 06:53 GMT+7
Những năm gần đây những vụ án liên quan đến "tín dụng đen" ngày càng nhiều. Tình trạng trên không chỉ gây bất ổn về an ninh trật tự mà còn khiến nhiều người rơi vào cảnh tan cửa nát nhà. Phóng viên NTNN đã trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP.Hà Nội, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam).

Luật sư Trương Thanh Đức  cho biết: Tôi và các luật sư đồng nghiệp đã gặp nhiều trường hợp người dân đi vay tiền từ "tín dụng đen" dẫn đến mất nhà. Bên cho vay dụ người dân ký vào một hợp đồng mua bán nhà (hoặc ủy quyền mua bán nhà) mà họ cho là chỉ để “làm tin” và cho vay tiền. Nhiều người “ngây thơ” đã đặt bút ký vào bản hợp đồng mà họ nghĩ là không có “giá trị thực” và giao sổ đỏ cho bên cho vay để vay được tiền. Thực tế, lúc đó người dân đang cần tiền gấp, không thể vay được ngân hàng. Không còn cách nào khác, họ buộc phải tìm đến "tín dụng đen", chấp nhận thế chấp tài sản, chịu lãi suất cao và nhiều sự o ép khác với hy vọng thời gian sau có tiền sẽ rút tài sản. Nhưng thực tế lại không như vậy.

Thưa ông người dân biết rằng đi vay "tín dụng đen" sẽ gặp nhiều rủi ro nhưng tại sao nhiều người vẫn cứ phải lao vào đó, trong khi hệ thống ngân hàng của chúng ta khá đa dạng?

- Muốn vay tiền ngân hàng phải có hai điều kiện quan trọng, đó là phương án, dự án hiệu quả khả thi, thứ hai là khả năng trả nợ. Nhiều người dân muốn vay tiền nhưng thường cả hai điều kiện trên đều không có. Đi vay để làm việc này, việc kia, thu nhập thì thấp, thậm chí kể cả thu nhập cao nhưng cũng không chứng minh được thì sẽ rất khó vay từ ngân hàng.

img

"Tín dụng đen" quảng cáo bằng nhiều hình thức bủa vây mọi đối tượng trong xã hội. Ảnh chụp tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội)  Ảnh: T.L

Ví dụ nếu bạn muốn vay tiền cho con đi học nước ngoài thì còn dễ chứng minh, nhưng nói vay tiền đi mua sắm hay làm việc gì đó sẽ rất khó chứng minh và vì thế rất khó vay. Khi vay tiền phải thế chấp tài sản là đương nhiên, nhưng phương án đảm bảo việc trả nợ rõ ràng bao nhiêu thì tài sản thế chấp càng ít bị đòi hỏi bấy nhiêu.

Người dân thiếu hiểu biết là một nhẽ. Nhưng trong những trường hợp kể trên, nếu công chứng viên làm hết trách nhiệm thì người dân có bị lừa thưa ông?

- Người dân thiếu hiểu biết một phần khi giao "sổ đỏ" và đặt bút ký vào hợp đồng ủy quyền hoặc ký vào hợp đồng mua bán nhà mà bên "tín dụng đen" dụ rằng chỉ là để “hợp thức hóa thủ tục”, dẫn đến việc bị lừa mất nhà cửa. Tuy nhiên có những trường hợp công chứng viên - người làm trung gian trong việc hai bên ký giấy tờ - nhưng lại không làm đúng quy định, vô tình tiếp tay cho kẻ lừa đảo.

Khi người dân ký vào hợp đồng mua bán nhà đất, công chứng viên phải có trách nhiệm xác định việc mua bán nhà đất là thật. Nếu có yếu tố ép buộc, gian dối, đe dọa phải ký, công chứng viên bằng nghiệp vụ của mình, có thể phát hiện được và giải thích rõ về hậu quả pháp lý cho người dân biết khi họ chuẩn bị ký vào những giấy tờ đó. Phải làm như vậy mới là hết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.

Trên thực tế không ít trường hợp bên cho vay có được giấy tờ ủy quyền tài sản nhà đất từ phía người dân, sau đó đã mang đi để vay ngân hàng khoản tiền lớn rồi không có khả năng chi trả. Tranh chấp xảy ra khi ngân hàng đến đòi thu nhà để xiết nợ. Ông nghĩ sao về trách nhiệm của ngân hàng trong trường hợp này?

- Cách đây 10 năm tôi từng viết quy trình, quy chế hoạt động của ngân hàng và đã nói rõ là không cho vay và nhận tài sản thế chấp của bên thứ ba. Việc quan trọng như thế, có thể dẫn tới mất nhà cửa, nguy hiểm như thế phải là quan hệ ruột thịt, đối tác cùng làm ăn, thật sự tự nguyện thì mới chấp nhận. Còn khi nhận tài sản không phải của chính người vay thì rủi ro cho chính ngân hàng, sau này có thể xảy ra tranh chấp, kiện cáo, ngân hàng không giải quyết được thì ngân hàng phải chịu thiệt.

Tôi đã chứng kiến trường hợp cán bộ ngân hàng không đi thẩm định tài sản thế chấp của người vay mà chỉ thẩm định qua giấy tờ. Người vay này lại dùng giấy tờ nhà đất của người nào đó thế chấp và nói nhà đất đó cách mặt đường Quốc lộ 5 vài trăm mét nhưng thực tế cách xa tới 10km.

Với những trường hợp người dân chỉ vay tiền vài trăm triệu đồng từ "tín dụng đen" nhưng lại bị lừa mất căn nhà trị giá đến vài tỷ đồng, liệu có cách nào về mặt pháp lý để bảo vệ người dân, thưa ông?

- Luật sư bảo vệ cho người dân gặp những vụ việc đó phải tìm mọi căn cứ, mọi cơ sở nhằm hủy hợp đồng mua bán đó. Tuy nhiên nó phụ thuộc vào các chứng cứ, giấy tờ, còn cứ nói mồm không thôi thì rất khó. Nhiều trường hợp dù biết mười mươi là người dân bị lừa bởi ngôi nhà của họ trị giá từ 2 -3 tỷ đồng, ai lại đi ký bán nhà chỉ vì vài trăm triệu đồng, biết thế nhưng luật sư cũng rất khó giúp họ, kể cả đưa vụ việc ra tòa.

Ra tòa, tòa bảo không có dấu hiệu gì cưỡng ép, gian dối, anh ký vào hợp đồng mua bán nhà, ký trước mặt công chứng thì anh phải chịu trách nhiệm. Theo Luật Công chứng, văn bản công chứng có giá trị chứng cứ không phải chứng minh, nên người dân nào bị rơi vào trường hợp đó thì rất khó gỡ.

 Xin cảm ơn ông!

Theo Khoản 4 Điều 40 của Luật Công chứng năm 2014: Công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng tuân thủ đúng các quy định về thủ tục công chứng và các quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, giao dịch; giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc tham gia hợp đồng, giao dịch.  

Thượng tá Trần Thị Thúy (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an): Rà soát “tín dụng đen”

  Lực lượng công an các địa phương cần tập trung rà soát, nắm tình hình tội phạm, lên danh sách những tổ chức, cá nhân có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen" để tập trung biện pháp đấu tranh triệt phá, không để chúng hoạt động kéo dài, gây ra những vụ việc phức tạp. Bên cạnh đó, các bộ, ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp đỡ cho doanh nghiệp vào người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, nhận biết và có ý thức cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động "tín dụng đen".